Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều đề xuất “sát sườn” để hoàn thiện Luật Thanh niên (sửa đổi)

Thứ sáu, 14/12/2018 - 06:30

(Thanh tra)- Từ thực tiễn 13 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy, một số quy định của Luật Thanh niên về vấn đề lao động, việc làm đã bộc lộ những bất cập cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý về thanh niên. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển thanh niên, công tác thanh niên và sự phát triển đất nước hiện nay.

Bên cạnh các điều kiện về vui chơi, giải trí mang nhiều giá trị tinh thần, thanh niên cũng cần có chính sách cụ thể để tiếp cận việc làm được thể chế hóa trong luật. Ảnh: H.O

Điều 10 Luật Thanh niên năm 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hoạt động lao động không tách bạch rõ ràng, gây khó khăn cho thanh niên trong việc xác định đâu là quyền lợi được hưởng, đâu là nghĩa vụ phải thực hiện trong các lĩnh vực nhằm nâng cao trách nhiệm đối với bản thân mình, đối với đất nước.

Theo Ths Nguyễn Lê Dân - Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước có nhiều thay đổi, xuất hiện vấn đề mới có liên quan đến thanh niên, việc trao thêm quyền cho thanh niên cũng làm khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, giúp ổn định và phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Đồng thời, việc mở rộng quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp và cơ hội để tiếp cận việc làm của thanh niên.

“Cần sửa đổi bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên trong lao động, việc làm để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên gắn với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Đồng thời, phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động nhằm giảm tỷ lệ thanh niên đô thị thất nghiệp, thanh niên khu vực nông thôn thiếu việc làm và giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong sinh viên, tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học” - ý kiến đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật đề xuất.

Bí thư Đoàn Thanh niên - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn đề xuất trách nhiệm của Nhà nước với thanh niên trong học tập, cần nghiên cứu, bổ sung thêm vấn đề giáo dục cho thanh niên về bầu cử và tham chính. Bởi, theo Điều 27 Hiến pháp quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Như vậy, ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, thanh niên có thể tham gia bầu cử hoặc ứng cử, nhưng lại chưa được giáo dục về những quyền này.

Một vấn đề quan trọng khác đó là đối thoại với thanh niên (Điều 7), Ban soạn thảo Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần nghiên cứu, xem xét cân nhắc bổ sung điều khoản này, bởi đối thoại là kênh thông tin hai chiều giữa cơ quan và tổ chức có thẩm quyền và thanh niên, nhằm lắng nghe ý kiến, giải đáp thắc mắc của thanh niên, đối thoại với thanh niên phải đảm bảo thực chất, có ý nghĩa với sự tham gia bình đẳng của mọi tầng lớp thanh niên. Đây cũng là diễn đàn để phát huy tính phản biện của thanh niên trong các cơ chế, chính sách.

Thêm nữa, nhóm thanh niên đặc thù cũng cần cân nhắc tới trong quy định chính sách của Nhà nước. Thực tế và theo nghiên cứu, người đồng giới, chuyển giới đang ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam và có hàng nghìn người mong muốn chuyển giới. Dự thảo Luật đã phân chia từng nhóm đối tượng đặc thù nhưng chưa đề cập đến nhóm đối tượng này. Bởi vậy, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện, giúp đỡ thanh niên phát triển bản thân trong học tập, việc làm... cũng như cần có chính sách đảm bảo sự công bằng, không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với thanh niên đồng tính, chuyển giới...

Một nhóm đối tượng đặc thù khác là thanh niên khuyết tật, tàn tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo, luật đã có chính sách, tuy nhiên, còn chưa có chính sách đối với đối tượng thanh niên mồ côi cha mẹ. Vì vậy đối tượng này cũng cần có chính sách về miễn giảm học phí, viện phí...

Nhiều ý kiến đều chung đề xuất, cần bổ sung thêm 1 chương mới về quản lý Nhà nước về công tác thanh niên, quy định rõ cơ quan có trách nhiệm trong quản lý, mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan này với các cơ quan khác trong quản lý về công tác thanh niên.

Ngày 13/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành quyết định thành lập Vụ Công tác thanh niên trực thuộc Bộ Nội vụ để giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện đầy đủ và toàn diện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao về thanh niên và công tác thanh niên.

Hiện nay, Nghị định 34/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên cho Bộ Nội vụ và thành lập Vụ Công tác thanh niên và đơn vị đầu mối. Vì vậy, Luật Thanh niên (sửa đổi) cần sửa đổi, quy định rõ việc giao Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác thanh niên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên trên thực tế. Đồng thời, khắc phục chồng chéo nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên là Bộ Nội vụ và cơ quan tư vấn về thanh niên của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.


Oanh Hữu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm