Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm học 2018-2019: Quyết tâm chấn chỉnh lạm thu

Thứ năm, 02/08/2018 - 13:56

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị "Tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019", tổ chức sáng 2/8.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HH

Nhiều vấn đề “nóng” chưa được giải quyết

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm học qua, chất lượng các hoạt động GD&ĐT ở tất cả các bậc học từng bước được cải thiện, nâng cao.

Các chương trình môn học cũng đã được tổ chức thực nghiệm tại 48 trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện 6 vùng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Đến nay, chương trình các môn học đã được Hội đồng Quốc gia thẩm định lần 2 và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành trong tháng 8/2018. 

Thành lập 1 trường ĐH, sáp nhập 2 trường cao đẳng sư phạm

Năm học qua, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ hủy bỏ các văn bản phê duyệt chủ trương thành lập 13 trường ĐH đã quá hạn; quyết định thành lập 3 phân hiệu của trường ĐH, trình Thủ tướng thành lập 1 trường ĐH; sáp nhập 2 trường cao đẳng sư phạm.

Về tự chủ của các trường đại học (ĐH), hiện Bộ GD&ĐT đã giao 3 trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) xây dựng Đề án Thí điểm không có cơ quan chủ quản để trình Thủ tướng Chính phủ. 

Mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh; quy mô giáo dục phổ thông từng bước được rà soát, sắp xếp.

Giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tựu quan trọng với kết quả nổi bật của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học kỹ thuật quốc tế; nhiều trường ĐH có tên trong bảng xếp hạng khu vực và thế giới. 

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thẳng thắn nhìn nhận: Năm học 2017-2018, tình trạng thiếu trường lớp, đặc biệt là ở bậc học mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn thiếu; có giáo viên, học sinh cư xử thiếu văn hóa; tình trạng thừa thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để, cá biệt có những địa phương tình trạng tuyển dụng, sử dụng giáo viên gây bức xúc trong xã hội.

Vấn đề lạm thu đầu năm học còn diễn ra ở nhiều địa phương; đổi mới chương trình, sách giáo khoa chưa đạt tiến độ đề ra; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm vẫn còn cao; cơ chế, chính sách thực hiên tự chủ ĐH còn thiếu và chưa đồng bộ.

Kỳ thi THPT Quốc gia còn nhiều tồn tại như đề thi chưa phù hợp, phần mềm chấm trắc nghiệm còn lỗi…


Thanh tra thi THPT Quốc gia chưa chặt chẽ

Nói về công tác thanh tra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn, nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát. 

Năm học qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác thanh tra trong toàn ngành. Bồi dưỡng 3.000 cộng tác viên thanh tra các sở và gần 300 cộng tác viên các trường ĐH.

Đồng thời, tiến hành 9 cuộc thanh tra hành chính và 16 cuộc thanh tra chuyên ngành. Các Sở GD&ĐT đã tiến hành 868 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã kịp thời kiến nghị hoàn thiện thể chế, xử lý nhiều hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thừa nhận: Công tác thanh tra, kiểm tra chưa đủ rức răn đe; tổ chức thanh tra thi THPT Quốc gia chưa chặt chẽ, ban hành quyết định thanh tra, tiến hành thanh tra coi thi, chấm thi chưa kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm quy chế thi (Hà Giang, Sơn La); còn 1 số sở GD&ĐT chưa phối hợp chặt chẽ với tổ chức thanh tra chấm thi của Bộ.

Về nhiệm vụ năm học 2018-2019, Bộ trưởng Nhạ khẳng định: Ngành Giáo dục quyết tâm chấn chỉnh lạm thu; thu - chi không mập mờ dẫn tới hoài nghi của phụ huynh.

Bên cạnh đó, quyết tâm đẩy lùi nạn bạo hành trẻ, ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức lối sống của 1 bộ phận giáo viên, làm thế nào để mỗi nhà giáo là 1 tấm gương…

Về kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT cho biết: Tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm…

Ngăn chặn lợi dụng danh nghĩa để bắt phụ huynh đóng… "tự nguyện" Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HH Chia sẻ với ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị về tình hình lạm thu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Câu chuyện thu đầu năm, chúng ta vô hình chung do quản lý không tốt đã “thắt” hết tất cả nguồn xã hội hóa một cách đúng đắn mà biến thành cào bằng trên danh nghĩa của hội phụ huynh. Việc chia cho phụ huynh phải đóng đều nhau là không đúng tính chất, điều này khiến xã hội bức xúc. Phó Thủ tướng thông tin: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Nghị định về cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có điều phải làm sao để một mặt ngăn không được lợi dụng danh nghĩa của tất cả các tổ chức, cơ quan để bổ đầu người buộc phu huynh đóng “tự nguyện”, mà mở kênh ra để cho toàn xã hội tùy theo năng lực và tấm lòng của mình để đóng góp.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm