Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lý do khởi động lại điện hạt nhân ở Việt Nam

Hương Giang

Thứ tư, 27/11/2024 - 18:00

(Thanh tra) - Đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ nêu rõ lý do khởi động lại điện hạt nhân ở Việt Nam.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội vào năm 2016. Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển.

“Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao”, Phó Thủ tướng nói, tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80 GW, cần tăng thêm khoảng 70 GW đến năm 2030 và 400-500 GW đến năm 2050.

Điện hạt nhân là mang lại nhiều tác dụng

Chính phủ nhận định việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, nguồn điện này giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đây cũng là giải pháp đáp ứng được nhiệm vụ kép: vừa cung cấp điện nền, vừa đảm bảo môi trường.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: P.Thắng

Chi phí sản xuất điện bình quân của điện hạt nhân có thể cạnh tranh với các nguồn truyền thống, nhất là điện than, LNG với giá nhiên liệu tăng dần.

Cạnh đó, phát triển nguồn điện này giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ các nguồn lực quốc tế về tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác, cũng như nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.

Về địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, Chính phủ cho biết, đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Đây là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

 “Việc sử dụng các địa điểm đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Ông nói, “việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.

Sau khi được phê duyệt chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển điện hạt nhân.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, phát triển, khai thác, vận hành, bảo vệ, định mức tiêu chuẩn, quy phậm pháp lý chất thải các nhà mày điện hạt nhân

Các cơ quan chức năng cũng sẽ đào tạo, phát triển xây dựng nguồn nhân lực hạt nhân; nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Cùng với đó, sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực điện hạt nhân; tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục triển khai các dự án này”, Phó Thủ tướng nêu và cho hay, sẽ hình thành cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước với điện hạt nhân.

Chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất cần thiết về tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nói, trước bối cảnh nền kinh tế - xã hội toàn cầu có nhiều biến động, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.

“Việc tiếp tục triến khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cấp thiết, bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững”, ông Huy nói.

Để tái khởi động dự án này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phù hợp thực tế.

Chính phủ cũng cần đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với tăng tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước. Việc này nhằm từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý, rà soát, hoàn thiện pháp luật về điện hạt nhân và nâng cao năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị hạt nhân.

Trong phát triển điện hạt nhân, ngoài thiết bị, công nghệ, con người là yếu tố then chốt. Do đó, theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tống thế phát triến ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.

Tính đến cuối tháng 8, thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe, và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe. 

Điện hạt nhân cung cấp khoảng 10% điện năng sản xuất trên toàn thế giới và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước. Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.

Theo Chính phủ, xu thế phát triển công nghệ điện hạt nhân thời gian tới gồm: xây mới lò phản ứng nước nhẹ (LWR) công nghệ thế hệ III+; nghiên cứu, hoàn thiện lò phản ứng thế hệ IV; nghiên cứu, phát triển thương mại hóa lò công suất nhỏ kiểu module (SMR). 

Công nghệ điện hạt nhân hiện cũng được nghiên cứu phát triển để hỗ trợ khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, phát huy hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm