Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Bộ Công thương: Điện hạt nhân dứt khoát phải có

Hương Giang

Thứ năm, 07/11/2024 - 20:53

(Thanh tra) - Chính sách phát triển điện hạt nhân là một trong các quy định khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn khi góp ý Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, chiều 7/11. Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, “điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có”.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận chỉ tạm dừng, chưa hủy bỏ

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đến năm 2030 chúng ta cần phải gấp 2 lần công suất điện hiện nay, nhưng đến năm 2050 phải gấp 5 lần công suất hiện nay.

Ông phân tích, khi các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển, năng lượng mặt trời kể cả có cả lưu trữ điện thì cũng không thể nào tăng gấp 7 lần công suất hiện nay bằng năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, “điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có”. Ảnh: P.Thắng

“Điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có, nhưng để có trên thực tiễn thì ngay từ bây giờ trong luật chúng ta phải được đề cập”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những đã rõ thì quy định trong luật, nếu chưa rõ thì trao quyền đó để Chính phủ quy định và có những bước đi cụ thể. Có như vậy thì sau 10 năm chúng ta mới có những dự án điện hạt nhân.

Ông thông tin thêm, 17 năm nay chúng ta đã quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chưa có luật thậm chí chưa có nghị định, chưa có quy định cụ thể. Vào 7 năm trước chúng ta mới tạm dừng chưa phải hủy bỏ.

“Đến bây giờ cấp có thẩm quyền đã cho phép nghiên cứu để khởi động lại, cho nên phải đề cập trong luật lần này ít nhất một điều rằng nguồn điện đó, loại hình năng lượng đó được phép phát triển, còn những bước đi cụ thể sẽ giao cho Chính phủ”, Bộ trưởng Công thương lý giải.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng khẳng định, không phải giao cho Chính phủ là Chính phủ có quyền to đến mức không phải báo cáo Quốc hội.

Trước đó, nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ băn khoăn khi các quy định về phát triển điện hạt nhân “chỉ nêu có vài dòng”.

“Phát triển điện hạt nhân, đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà chỉ quy định có mấy điểm tại một khoản ở một điều, như vậy rất lo ngại”, bà Hương nói.

Đại biểu cũng lo ngại khi dự thảo luật quy định Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả.

“Như vậy, Quốc hội không bàn về việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân mà giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ, thật sự tôi rất là băn khoăn”, đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét quy định này.

Phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân, tránh lãng phí

Đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Thuận đề nghị cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân sao cho thành công, đạt hiệu quả cao.

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ băn khoăn khi các quy định về phát triển điện hạt nhân “chỉ nêu có vài dòng”. Ảnh: P.Thắng

“Cần phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực Nhà nước”, bà Hương nói, đồng thời nhấn mạnh, “đầu tư phát triển điện hạt nhân cần có chủ trương thống nhất triển khai thực hiện, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho Nhân dân”.

Đại biểu đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm công nghiệp xanh, sạch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Chung mối quan tâm, đại biểu Hoàng Đức Chính (Hoà Bình) nói, Việt Nam đã từng có kế hoạch phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, năm 2016, Chính phủ đã quyết định tạm dừng các dự án điện hạt nhân, đặc biệt là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do có lo ngại về an toàn, chi phí đầu tư cao.

Do đó, ông Chính đề nghị đề nghị xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới.

“Cần bổ sung những quy định về quản lý chất thải phóng xạ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân. Điều này nhằm tránh những lo ngại của người dân và tăng sự đồng thuận trong xã hội”, đại biểu đoàn Hòa Bình góp ý.

Ông Hoàng Đức Chính cũng đề nghị bổ sung các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm