Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thúc đẩy đưa quyền chuyển đổi giới tính vào cuộc sống

Thứ tư, 14/12/2016 - 16:38

(Thanh tra) - Ngày 14/12, Bộ Tư pháp và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn Pháp luật: "Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 - Các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành". Một trong những vấn đề được đặt ra là làm thế nào để đưa quyền chuyển đổi giới tính được thực thi trên thực tế.

TS. Đinh Trung Tụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, quy định của BLDS 2015 đã tạo cơ chế pháp lý chống phân biệt đối xử với người chuyển đổi giới tính

Không phải sống “bên lề” pháp luật

Sau khi được ban hành, BLDS là công cụ pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật Việt Nam, quyền xác định lại giới tính và quy định về chuyển đổi giới tính được ghi nhận trong BLDS.

Theo TS. Đinh Trung Tụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, quy định đã tạo cơ chế pháp lý chống phân biệt đối xử với người chuyển đổi giới tính, bảo đảm cho họ có địa vị pháp lý bình đẳng, cũng như minh bạch khi thực hiện các quyền nhân thân, tài sản trong các quan hệ dân sự.

Thực tế trước đây, cộng đồng người chuyển giới thường phải sống trong “bóng tối” và “bên lề” các quy định pháp luật liên quan đến giới tính.

Bởi hình thái cơ thể, giấy tờ nhân thân không đồng nhất với giới tính thực sự (sau khi phẫu thuật) nên họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục pháp luật và cuộc sống hàng ngày.

Ông Lương Thế Huy, Giám đốc Chương trình Quyền của nhóm người đồng tính, song giới, chuyển giới, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết, với sự “cởi trói” của BLDS 2015, cuộc sống của người chuyển giới nói riêng, gia đình và bạn bè của họ nói chung đã được nhìn nhận đúng đắn hơn. 

Vấn đề đặt ra, thời điểm nào những quy định này có thể triển khai trong thực tiễn khi chưa có Luật về chuyển đổi giới tính?

Mong mỏi lớn nhất của những người chuyển đổi giới tính là có các quy định pháp luật cụ thể để tạo điều kiện cho người chuyển giới thực hiện quyền của họ. Hơn nữa, còn hạn chế rất nhiều rủi ro, chi phí tiền bạc, thời gian của những người muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Hiện nay, những người chuyển đổi giới tính đang phải thực hiện tại các cơ sở y tế ở nước ngoài dù trình độ y tế Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được với mức chi phí rẻ hơn nhiều lần.

Xây dựng Luật chuyển đổi giới tính

Để việc chuyển đổi giới tính được thực thi trên thực tế, ông Đinh Trung Tụng cho rằng, cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về trình tự, thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, xác định lại giới tính...

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Cùng với đó, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính và để những người này được bình đẳng, không bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử về địa vị pháp lý, về thực hiện, bảo vệ quyền, nghĩa vụ trong các quan hệ dân sự.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính và để trình Chính phủ, trình Quốc hội trong thời gian tới.

“Trong Luật này, cần cụ thể hóa các quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính để bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính”, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Luật được thông qua thì quyền chuyển đổi giới tính của người dân cũng như việc thay đổi họ tên của người chuyển đổi giới tính sẽ được bảo vệ tốt hơn.

 Điều đó thể hiện được bản chất nhân đạo của pháp luật nước ta cũng như thực hiện cam kết bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

BLDS năm 2015 đã quy định một quyền nhân thân mới của cá nhân mà BLDS năm 2005 chưa quy định đó là chuyển đổi giới tính (Điều 37).

Điều 37 quy định, ”việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Quy định tiến bộ này đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính nói riêng và quyền của nhóm người đồng tính, song giới, chuyển giới nói chung, phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc được thông qua vào tháng 9/2014 về nhân quyền.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm