Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tại sao thu hồi tài sản tham nhũng thấp?

Thứ ba, 14/11/2017 - 06:32

(Thanh tra)- Theo Thanh tra Chính phủ, thu hồi tài sản tham nhũng thấp hơn nhiều so với tài sản bị chiếm đoạt là do các quy định của pháp luật về vấn đề này phần lớn mới mang tính nguyên tắc. Trong khi, trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng…

Hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt (Bị cáo Giang Kim Đạt trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Vinashin Lines. Ảnh minh họa)

Cử tri tỉnh Đắk Lắk phản ánh: Một số trường hợp tham nhũng đã được phanh phui làm rõ nhưng việc xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; số tiền làm thất thoát lớn nhưng thu hồi lại được còn thấp, thậm chí không thu hồi lại được, gây bức xúc trong nhân dân.

Hơn nữa, hiện nay đang có nhiều cơ quan cùng thực hiện công tác chống tham nhũng như hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra…. Nhưng giữa các cơ quan chưa có sự phối hợp đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả còn nhiều hạn chế.

Thiếu hành lang pháp lý

Trả lời vấn đề này, theo Thanh tra Chính phủ, những năm gần đây, việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có tiến triển, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.

“Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng”, Thanh tra Chính phủ cho hay.

Nguyên nhân được đưa ra là do thể chế, chính sách như một số quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng chưa được thể chế hóa kịp thời; các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng. Việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn chậm.

Thêm vào đó, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tội phạm tham nhũng, qua đó ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng thì việc hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản là yêu cầu cấp thiết.

“Trong quá trình hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng các cơ quan cũng đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng”, Thanh tra Chính phủ trả lời kiến nghị cử tri.

Nhiều giải pháp chống thanh tra chồng chéo, trùng lắp

Còn để bảo đảm không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, Luật Thanh tra đã có những quy định phân cấp về thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp.

Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra cũng quy định về một số trường hợp phải thực hiện hoạt động thanh tra liên ngành để hạn chế trùng lắp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra.

“Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động thanh tra cũng có lúc xảy ra sự chồng chéo, trùng lặp”, Thanh tra Chính phủ thừa nhận và cho biết, để xử lý những trường hợp này, tại Thông tư số 01 ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ, Điều 13 đã quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra đã quy định khá cụ thể về việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra…

Gần đây, để thể hiện quyết tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Theo đó, yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán Nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý Nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định…

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm