Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điều kiện đầu tư kinh doanh: Không “bốc cơ học” thông tư lên nghị định

Thứ sáu, 03/06/2016 - 18:50

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không thể “bốc cơ học” từ thông tư lên nghị định và phải rất minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Chúng ta phải rất minh bạch! Những điều kiện, thủ tục nào bỏ, cái nào nâng cấp từ thông tư lên, cái nào thêm vào, cái nào thay thế cái nào phải nói rõ với Chính phủ"

Sáng ngày 3/6, Bộ Tư pháp họp với lãnh đạo của các bộ, ngành về tình hình thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, pháp lệnh và văn bản quy định điều kiện luật đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Nghị định viện dẫn… thông tư

Theo Bộ Tư pháp, tính đến thời điểm hiện nay, còn 86 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành trước ngày 1/7, trong đó, có 49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Mặc dù các bộ, ngành đã tích cực, nhưng do thiếu thống nhất trong cách hiểu về điều kiện đầu tư kinh doanh nên trong quá trình xây dựng các nghị định xác định chưa đầy đủ phạm vi điều chỉnh.

Hoặc nhiều nội dung quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn lẫn với quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhất là các nghị định được nâng lên từ thông tư.

Đáng lo ngại, do yêu cầu “áp” tiến độ, hầu hết các dự thảo văn bản không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, không đánh giá tổng kết thực tiễn; chưa nghiên cứu kỹ các vấn đề cần quy định.

Công tác thẩm định cũng bị áp lực về thời gian nên khó tránh khỏi hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng, tính khả thi của văn bản, cũng như tính hợp lý, hiệu quả của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

“Điều này sẽ tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư, giảm thiểu hình thức xin cấp phép, xác nhận hoặc chấp thuận đầu tư, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 59 của Chính phủ”, Bộ Tư pháp cho biết.

Chẳng hạn, có nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hải quan đã viện dẫn cả văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc có nghị định còn viện dẫn cả thông tư, thiếu quy định chuyển tiếp…

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, giảm điều kiện kinh doanh là giảm nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Cho nên cần thống kê cụ thể giảm được bao nhiêu, thông báo cụ thể,  không cơ học, cứng hóa các điều kiện.

Có vội cũng không thể bỏ qua khâu tham vấn ý kiến

Thực tế, hiện nay còn sự phân tán trong xây dựng văn bản ở các Bộ, ngành. Ông  Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng nghị định về kinh doanh phân bón, phân bón vô cơ giao cho Bộ Công Thương quản lý , hữu cơ lại là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Nếu gom lại một đầu mối thì phù hợp hơn, tránh sự phân tán. Vì chưa có thời gian rà soát  thì sẽ bị trùng lặp”, ông Hiếu nói.

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thì lưu ý, phải rất thận trọng khi nâng cấp thông tư lên nghị định. 

"Bản thân các thông tư nếu rà soát cụ thể đã là có nhiều vấn đề rồi. Chưa kể, trong thông tư vừa có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, vừa có các quy định khác", ông Ba nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Thọ, Hàm Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng,  phải rà soát, đánh giá, xem các điều kiện kinh doanh còn phù hợp với thực tế hiện nay không.

Các bộ cần phối hợp với nhau để tránh chồng chéo, trùng lắp. Nếu không sẽ rất nguy hại sau khi ban hành. Ngay trong Bộ Tư pháp khi tiến hành thẩm định các dự thảo nghị định cũng cần phối hợp, không nên “cát cứ”.

“Vội gì thì vội, rút gọn gì thì rút gọn cũng không thể bỏ qua khâu tham vấn ý kiến của các chuyên gia, đối tượng bị tác động vì điều này liên quan đến quyền kinh doanh, quyền con người”, ông Thọ nhấn mạnh.

Tính đến ngày 2/6, Bộ Tư pháp đã nhận và thẩm định 68/86 văn bản, tạo điều kiện cho các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được 46/68 văn bản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đừng coi những văn bản của Bộ Tư pháp đã thẩm định, những văn bản Văn phòng Chính phủ đa gửi đi xin ý kiến các thành viên Chính phủ, có ý kiến thảo luận trong môt số trường hợp khó khăn là đã xong quá trình này.

“Chúng ta cần tiếp tục ngồi lại với nhau, còn thời gian nào tận dụng tối đa thời gian ấy, nếu không sau này sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với chất lượng văn bản ban hành. Không thể chạy theo số lượng được. Quyết tâm cao nhất để bảo đảm kịp thời hạn, đáp ứng số lượng, nhưng phải bảo đảm chất lượng văn bản”.

Không “đeo” thêm nấc làm khổ cho doanh nghiệp

Liên quan đến các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh được nâng lên thành nghị định, Bộ trưởng Long đồng ý, không thể “bốc cơ học”.

“Chúng ta phải rất minh bạch! Những điều kiện, thủ tục nào bỏ, cái nào nâng cấp từ thông tư lên, cái nào thêm vào, cái nào thay thế cái nào phải nói rõ với Chính phủ.

Chúng ta phải bảo đảm tính pháp chế là đương nhiên rồi. Nhưng để bảo đảm thực tế, những điều kiện nào chưa rõ, bản thân chúng ta chưa hiểu thì chưa nên quy định. Tôi nghĩ, Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và sau này Quốc hội không trách móc chúng ta đâu.

Những cái gì còn nhập nhằng giữa điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ thì nên nghiêng về hướng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để xử lý sau.

Chứ cứ đeo thêm vào thì lại thêm một nấc nữa sẽ làm khổ cho doanh nghiệp. Không phải cái nào cũng thật thà như cái nào”, Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu kết luận.

Ông Phan Đức Hiếu cũng chỉ ra thực tế, rất nhiều điều kiện  kinh doanh còn quy định chung chung như "có phương tiện, thiết bị phù hợp, có nhân lực đáp ứng…” gây rủi ro cho cả doanh nghiệp và đơn vị nhà nước.

“Có những quy định không bao giờ được đánh giá, có nghĩa là không thực hiện. Nên chăng, những quy định trong văn bản mà không rõ thì không  nên ban hành. Nhiều cách hiểu khác nhau thì nên hiểu theo cách có lợi cho doanh nghiệp”, ông Hiếu đề xuất .

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề nghị, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chủ trì soạn thảo và các bộ liên quan rà soát lần cuối trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình xây dựng các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nếu thấy những điểm bất hợp lý nhưng cao hơn cấp nghị định cũng mạnh dạn báo cáo Chính phủ,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm