Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam tham gia đánh giá PISA 2015

Thứ tư, 05/03/2014 - 14:51

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tại hội nghị tổng kết Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) và triển khai nhiệm vụ đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia đánh giá PISA 2015. Ảnh: Hải Hà

Một trong những mục đích quan trọng của PISA là xem xét đánh giá các mức độ năng lực đạt được của học sinh lứa tuổi 15 ở các lĩnh vực Đọc hiểu, Toán và Khoa học.

Việt Nam đã tham gia PISA 2012 và kết quả thật bất ngờ, học sinh Việt Nam được đánh giá cao, đứng trong top 20 quốc gia và vùng kinh tế có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). 

Ở lĩnh vực Toán (lĩnh vực trọng tâm của PISA 2012), Việt Nam đứng thứ 17/65. Điểm trung bình Mean Score là 494 thì Việt Nam đạt 511. Như vậy, năng lực Toán của học sinh Việt Nam ở top cao hơn chuẩn năng lực của OECD. Tự hào hơn là điểm Toán của Việt Nam cao hơn nhiều nước giàu của OECD như: Pháp, Anh, Mỹ, Áo, Úc...

Ở lĩnh vực Đọc hiểu, Việt Nam đứng thứ 19/65, điểm trung bình là 496 thì Việt Nam đạt 508. Ở lĩnh vực này, học sinh Việt Nam cũng cao hơn chuẩn năng lực của OECD.

Đặc biệt, lĩnh vực khoa học, Việt Nam đứng thứ 8/65 với 528 điểm, trong khi điểm trung bình Mean Score là 501. Với kết quả này, Việt Nam chỉ đứng sau các nước/vùng lãnh thổ Thượng Hải, Hồng Kông, Singapo, Nhật Bản, Phần Lan, Estonia và Hàn Quốc.

Kết quả trên khiến cả thế giới bất ngờ về học sinh Việt Nam. Qua đó cho thấy, năng lực của học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu khung năng lực của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế...

“Việc tham gia PISA 2012 đã giúp Việt Nam xác định được thực trạng kết quả học tập của học sinh ở độ tuổi 15 (chủ yếu là học sinh lớp 10), một cách chính xác, trung thực và từ đó có những so sánh được với các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Về lâu dài, kết quả PISA có thể sử dụng làm cơ sở đánh giá tốt nghiệp THPT, đồng thời là nguyên liệu để tuyển sinh đại học. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tham gia đánh giá PISA 2015”, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo), Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, PISA 2015 sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực khoa học, đòi hỏi học sinh cần có tư duy tổng hợp giải quyết vấn đề liên quan đến khoa học, những hiểu biết liên quan đến toàn cầu... Đây là những thách thức đối với học sinh Việt Nam.

Để kỳ khảo sát PISA 2015 được tổ chức có hiệu quả hơn, Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam đưa ra một số đề xuất như: Việt Nam cần xây dựng đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực cấp Trung ương, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi; nhanh chóng triển khai thành lập web về PISA của Việt Nam để tuyên truyền sâu rộng PISA đến các cơ sở giáo dục; thành lập Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục để tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đổi mới công tác kiểm tra đánh giá tại Việt Nam...

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm