Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm tốt việc tuyên truyền phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp

Theo Chu Thanh Vân/TTXVN

Thứ bảy, 06/06/2020 - 11:02

Thông tin kết quả nổi bật về công tác phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương, nhất là công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là nội dung được nhân dân quan tâm.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 5/6, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết quy chế và chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp với 4 cơ quan báo chí gồm Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, trong 1 năm qua (từ tháng 6/2019).

Báo cáo cho thấy, từ tháng 6/2019 đến nay, các cơ quan đã làm tốt các nội dung đề ra trong chương trình, quy chế phối hợp, gắn việc thông tin công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ" với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm," Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp," Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”…

Các cơ quan phối hợp đã sản xuất nhiều chương trình, tin, bài phóng sự chuyên đề sâu về công tác phòng, chống tham nhũng; thông tin, tuyên truyền hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; vị trí, vai trò của Ban Nội chính Trung ương nói riêng và ngành Nội chính nói chung; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; hợp tác quốc tế và kinh nghiệm quốc trong phòng, chống tham nhũng…

Thông tin kết quả nổi bật về công tác phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương, nhất là công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là nội dung được các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm. Năm qua, các cơ quan báo chí trên đã dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về vấn đề này, với nhiều hình thức đa dạng.

Các sản phẩm báo chí của TTXVN luôn duy trì và đảm bảo các nội dung thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác thu hồi tài sản. Thông tin tuyên truyền về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp được các đơn vị của TTXVN thực hiện bằng nhiều loại hình, xây dựng nhiều chuyên mục.

Bên cạnh đó, TTXVN thường xuyên thông tin tham khảo/báo cáo nội bộ về dư luận, đánh giá của quốc tế đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đăng nhiều thông tin kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.

Những thông tin được đăng tải đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 Đồng chí Vũ Việt Trang, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tuy nhiên, Tổng biên tập tạp chí Nội chính Đàm Văn Lợi chỉ ra rằng, việc cung cấp thông tin, nhất là thông tin nguồn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp vẫn còn chậm và thiếu. Vì vậy, dẫn đến sự hạn chế tính kịp thời trong công tác thông tin, nhất là đối với lĩnh vực phòng, chống tham nhũng đang được xã hội đặc biệt quan tâm; việc tuyên truyền gương cá nhân điển hình dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng còn ít…

Nguyên nhân là do thông tin liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là thông tin về các vụ việc, vụ án tham nhũng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm phần lớn là thông tin mật hoặc tối mật, do đó, Ban Nội chính Trung ương luôn cân nhắc trước khi cung cấp cho cơ quan báo chí, thông tin đến với các cơ quan phối hợp thường chậm so với yêu cầu của phóng viên, ban biên tập.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang chia sẻ, từ tháng 6/2019 đến hết tháng 5/2020, các đơn vị thông tin nguồn của TTXVN đã đăng phát 3.000 tin bài, hơn 800 ảnh, gần 100 tin, phóng sự truyền hình về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

TTXVN có thế mạnh là ngoài thông tin bằng tiếng Việt, còn đăng tải thông tin bằng các thứ tiếng nước ngoài. Tuyến thông tin về phòng, chống tham nhũng luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, độc giả người nước ngoài nên TTXVN đã chuyển ngữ có chọn lọc, trong đó dịch sang các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha hàng nghìn tin bài và hình ảnh cho các hãng thông tấn, cơ quan báo chí nước ngoài là đối tác của TTXVN khai thác sử dụng.

Không chỉ đưa tin trên các kênh phổ biến, TTXVN còn thực hiện các báo cáo tham khảo. Trong năm qua, đã thực hiện hơn 100 báo cáo tham khảo, để cơ quan chức năng xem xét, có chỉ đạo phù hợp.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, những thông tin có nguồn chính thống, có độ tin cậy, càng được cung cấp sớm, do các cơ quan báo chí có uy tín phát ra thì thông tin đó đến với bạn đọc càng chuẩn xác. Có những vụ việc cần có sự phát ngôn của Ban Nội chính nhưng do quy định công tác nên rất khó khăn. Nhiều ý kiến đề nghị với những tài liệu đóng dấu “mật," Ban Nội chính cần sớm giải “mật” dần cho cơ quan báo chí tiếp cận.

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cùng đề xuất Ban Nội chính có quy chế về phát ngôn và có người phát ngôn để thuận tiện cho hoạt động thông tin.

Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường, thời gian tới, các cơ quan cần tăng cường chất lượng, nội dung và hình thức thông tin, bảo đảm tính toàn diện, sâu sắc, cụ thể của nội dung thông tin, tuyên truyền các lĩnh vực công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp với 7 nhóm nhiệm vụ đã đề ra trong quy chế.

Đồng thời, phải có các giải pháp cụ thể, tăng cường hiệu quả thực chất hoạt động phối hợp giữa các đơn vị đầu mối; tăng cường các hình thức thông tin chuyên đề, phỏng vấn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Các cơ quan chú trọng thông tin tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dư luận quan tâm như quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công, cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn…

Thông tin kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thuộc ba cấp độ. Thông qua kết quả xử lý các vụ án, vụ việc, tuyên truyền các giải pháp phòng ngừa, khắc phục các sơ hở về thể chế để phòng, chống tham nhũng./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm