Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nạn nhân gián tiếp của khủng hoảng nợ công

Thứ hai, 26/09/2011 - 09:36

(Thanh tra) - Vốn là những định chế vững chắc, nhưng mấy ngày qua, ba ngân hàng lớn tại Pháp là BNP Paribas, Société Générale và Crédit Agricole lại có dấu hiệu bị khốn đốn do cuộc khủng hoảng nợ công đang càng lúc càng trầm trọng ở Hy Lạp và có khả năng nhận chìm nhiều nước khác như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…

Sau cơn khó khăn bắt nguồn từ vụ Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers bị phá sản vào năm 2008, BNP Paribas đã vươn lên như một ngân hàng thương mại đứng đầu châu Âu. Đến cuối năm 2010, BNP đã nâng được doanh số lên  43 tỷ euro, với lợi nhuận đạt gần 8 tỷ euro. Cổ phiếu của BNP Paribas trên thị trường chứng khoán Paris lúc nào cũng cao giá, trên mức 50 euro, có lúc lên đến 60 euro.

Thế nhưng, từ khi khủng hoảng nợ công châu Âu bùng lên mạnh mẽ, với Hy Lạp bị điêu đứng, trị giá cổ phiếu của đại gia ngân hàng châu Âu này bắt đầu bị tụt dốc. Từ đỉnh cao gần 60 euro, cổ phiếu BNP Paribas đã dần giảm giá, có lúc chạm mức thấp kỷ lục là 23,50 euro cách đây mấy ngày.

Tình trạng của hai ngân hàng lớn khác của Pháp là Société Générale và Crédit Agricole cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Sở dĩ ba định chế tài chính này không còn được giới đầu tư tin tưởng, là vì họ dính líu quá nhiều đến Hy Lạp.

Cuối năm 2010, BNP Paribas sở hữu 5 tỷ euro công trái trái phiếu Nhà nước Hy Lạp, Société Générale 2,7 tỷ, còn Crédit Agricole ít hơn, chỉ 600 triệu mà thôi. Đó là những trái phiếu rất khó bán ra vào lúc này, ít ra là không thể bán gấp, vì lẽ một khối lượng quá lớn trái phiếu Hy Lạp tràn ngập thị trường sẽ làm cho giá trị của trái phiếu đó sụt giảm đáng kể.

Kinh tế gia cao cấp tại Ban nghiên cứu thuộc Đài Quan sát Bối cảnh Kinh tế Pháp OFCE của Học viện chính trị Sciences Po tại Paris, ông Vincent Touze giải thích, các ngân hàng này bị đe dọa ở hai cấp độ. Một mặt, họ nắm trái phiếu Hy Lạp trong tay, vì thế sẽ bị thiệt hại khi các trái phiếu này bị mất giá. Mặt khác, họ đều có chi nhánh tại Hy Lạp, làm ăn trực tiếp với các doanh nghiệp tại chỗ. Nếu các con nợ bị mất khả năng thanh toán vì khủng hoảng Hy Lạp, các ngân hàng mẹ ở Pháp tất nhiên bị vạ lây.

Tóm lại, so với các định chế khác, ba ngân hàng BNP Paribas, Société Générale và Crédit Agricole bị lệ thuộc nhiều hơn vào số phận của Hy Lạp. Trong bối cảnh khả năng Nhà nước này bị phá sản càng rõ nét, cũng dễ hiểu là lòng tin vào ba chủ nợ của Hy Lạp bị sói mòn.

Thêm nữa, nợ Hy Lạp không phải là mối đe dọa duy nhất đối với các ngân hàng Pháp. Trong những năm qua, vì đặt cược vào sự phát triển của châu Âu, các định chế này thậm chí còn dồn sức nhiều hơn vào một số nước khác như Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Hệ quả là giờ đây, họ cũng sở hữu một phần các khoản nợ của các nước này.

Cho dù các con nợ Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... có khả năng chi trả cao hơn Hy Lạp, thế nhưng các món nợ của các nước mà ngân hàng Pháp nắm trong tay cũng lớn hơn rất nhiều. BNP chẳng hạn, đã có hơn 24 tỷ euro nợ  Ý, do đó có nguy cơ bị khốn đốn nếu Ý lâm vào tình thế như Hy Lạp.

        Khôi Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm