Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 20/09/2019 - 22:29
(Thanh tra) - Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ giúp các bệnh viện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt. Đặc biệt, người dân sẽ không phải chờ đợi xếp hàng, dễ dàng và rút ngắn thời gian thanh toán viện phí, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành Y tế tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Y tế tổ chức sáng 20/9, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, hiện nay, việc thanh toán viện phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt.
Một số bệnh viện cũng đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Việc thanh toán viện phí bằng tiền mặt tại một số bệnh viện khiến người dân mất đến 3 và thậm chí 4 lượt xếp hàng, mất rất nhiều thời gian (đặc biệt đối với bệnh viện tuyến cuối), thậm chí gây ra tâm lý ức chế, khó chịu, cáu gắt, mất trật tự…
Đối với bệnh nhân phải nhập viện thì lại tiếp tục việc xếp hàng nộp tiền vào viện, rồi đến khi ra viện lại xếp hàng nộp tiền viện phí. Và về phía bệnh viện cũng phải bố trí số đông cán bộ chỉ làm công tác thu tiền và thanh toán viện phí.
Trong quá trình thu, thanh toán viện phí, với việc có số lượng người dân nộp thanh toán quá đông và dồn dập vào một số thời điểm nên dẫn đến việc cán bộ thu, thanh toán viện phí bị quá tải, không giữ được thái độ niềm nở với người dân, thậm chí cáu gắt, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ y tế.
Trước thực tế này, ngành Y tế đang đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phương thức thanh toán điện tử trong ngành Y tế còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch thanh toán.
Chúng ta chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi. Các bệnh viện chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, lợi ích cũng như các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nên tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp.
Phí thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí. Việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn.
Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần
Theo Bộ Y tế, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ giúp các bệnh viện đơn giản hóa thủ tục, phục vụ bệnh nhân tốt hơn, không còn phải xếp hàng đợi thanh toán, giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát), rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh.
Đối với người dân, sẽ không phải chờ đợi xếp hàng, dễ dàng và rút ngắn thời gian thanh toán viện phí, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần. Người dân sẽ không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị. Đặc biệt là người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán…
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện toàn ngành Y tế có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.
Trong đó, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tại bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí hay đến bệnh viện khám bệnh phải mang theo tiền mặt.
Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán viện phí từ xa. Số bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán viện phí của bệnh viện.
Mới đây, ngày 19/9, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt trong ngành Y tế. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thủ trưởng các cơ sở giáo dục đào tạo về y dược đóng trên địa bàn đô thị phải bố trí nguồn nhân lực, sử dụng nhiều giải pháp thanh toán điện tử để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện, triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.
Người đứng đầu ngành Y tế đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nghiên cứu, đề xuất bổ sung tiêu chí về thanh toán điện tử vào trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế triển khai các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại đơn vị, đáp ứng yêu cầu thanh toán điện tử không dùng tiền mặt của người dân trước ngày 31/12/2019.
Phương Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Mã cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long liên tục tăng kịch trần trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, khiến công ty phải giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đông Hà
09:13 13/12/2024(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
PV
11:41 12/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng