Cuốn sách mang tên "Cẩm nang liêm chính trong kinh doanh" (Business Integrity Handbook) cung cấp hướng dẫn cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các chương trình chống tham nhũng của họ, với các kinh nghiệm, hiểu biết được đúc rút từ Myanmar và các quốc gia khác.

Cẩm nang được viết bằng 2 thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Myanmar, được xuất bản bởi Trung tâm Kinh doanh có trách nhiệm của Myanmar (MCRB) với sự hợp tác của Ủy ban Chống tham nhũng Myanmar (ACC), Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).

Theo nhóm soạn thảo, kinh doanh có trách nhiệm là hành vi kinh doanh vì lợi ích lâu dài của đất nước và người dân, dựa trên kết quả hoạt động xã hội và môi trường có trách nhiệm trong sự đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế.

Cẩm nang cũng là kết quả của nhiều nghiên cứu điển hình về Myanmar đã được thực hiện từ các cuộc trò chuyện với các doanh nghiệp ở Myanmar trong những năm qua. Cuốn sách được kỳ vọng là góp phần giúp các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp ở Myanmar trong việc chống lại những hành vi tham nhũng và giảm thiểu rủi ro mà tham nhũng gây ra. Nó dành cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Tất nhiên, không phải mọi ý tưởng và đề xuất của cẩm nang đều phù hợp với mọi doanh nghiệp. Khi nói đến chống tham nhũng, bước đầu tiên đối với các nhà quản lý và chủ sở hữu công ty là đánh giá rủi ro của mình và quyết định cách tiếp cận nào là phù hợp với mình.

leftcenterrightdel
 Ông U Aung Kyi, Chủ tịch ACC. Ảnh: MCRB
 

Theo ông U Aung Kyi, Chủ tịch ACC, giải quyết tham nhũng là trách nhiệm mang tính quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của đất nước. Tính đến tháng 12/2019, ACC đã nhận được 20.141 khiếu nại, với 122 vụ đã được xử lý.

Kế hoạch chiến lược mà ACC đề ra trong giai đoạn 2018-2021 bao gồm các mục tiêu như:

- Giảm thất thoát công quỹ do tham nhũng gây ra trong các dự án xây dựng của Chính phủ, dịch vụ của Chính phủ, mua sắm hàng hóa, cho thuê và bán hàng hóa thông qua tính minh bạch, trách nhiệm và thẩm định.

- Chống tham nhũng nhằm giảm đáng kể tình trạng tham nhũng mang tính hệ thống trong các cơ quan công quyền.

- Cải thiện đáng kể xếp hạng của Myanmar về Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong Chỉ số Quản trị Toàn cầu (Worldwide Governance Indicators) của Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong khi, Chính phủ có vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng, bằng cách tăng cường minh bạch, cắt giảm các cơ hội tham nhũng, thực thi pháp luật và truy tố kẻ tham nhũng, thì doanh nghiệp cũng có vai trò rất quan trọng.

Các công ty có thể là một phần của giải pháp chống tham nhũng, bằng cách thúc đẩy văn hóa kinh doanh tốt, minh bạch và ủng hộ cải cách. Họ có thể làm điều này trong vai trò cá nhân và tập thể, cũng có thể hành động cùng với Chính phủ và xã hội dân sự.

Myanmar đang trong quá trình chuyển đổi. Nhiều công ty quốc tế vào Myanmar đặt ưu tiên liên kết, hợp tác với các đối tác kinh doanh tại địa phương là những người không tham gia vào các hành vi tham nhũng. Đây cũng là trách nhiệm pháp lý đối với nhà đầu tư quốc tế.

Hoài Phương