Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tính kế thu hồi khi còn “trứng nước”

Thứ năm, 09/07/2015 - 06:32

(Thanh tra)- Muôn kiểu “núp bóng”, tẩu tán, rồi hợp thức hóa tài sản của quan tham khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng (TN) đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế thu hồi tài sản TN ở Việt Nam hiệu quả còn thấp. Năm 2014, tỷ lệ thu hồi tài sản TN có chuyển biến hơn, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 22%. Nghĩa là, gần 80% tài sản bị TN “lọt lưới”. Đây là một trong những điểm làm yếu nỗ lực phòng, chống TN (PCTN) như nhận xét của Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh. Vậy làm thế nào để việc thu hồi tài sản TN đạt hiệu quả cao?

“Làm giàu bất chính” là… xử

Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, hình sự hóa hành vi "làm giàu bất chính" là để thực hiện chiến lược thu hồi tài sản TN. Luật Phòng ngừa TN của Singapore trao cho Cục Điều tra TN quyền điều tra bất kì người nào sở hữu những nguồn tiền hoặc tài sản không phù hợp với những nguồn thu nhập chính thức của họ. Trường hợp không chứng minh được nguồn gốc tài sản đó sẽ được xem như một chứng cứ xác định người đó đã có được những khoản tiền hoặc tài sản này một cách bất chính. Tòa án cũng được quyền ra quyết định tịch thu các tài sản đó.

Luật PCTN của Indonesia quy định, khi một người bị kết án về tội phạm TN nghiêm trọng, bên cạnh việc bị tịch thu tài sản do phạm tội mà có, họ còn có thể buộc phải chứng minh rằng của cải của họ không phải là tài sản có được do TN. Dựa trên bản án kết tội, tòa án sẽ tiến hành một phiên nghe người bị kết án trả lời những câu hỏi về tính hợp pháp của những tài sản này. Nếu người bị kết án không chứng minh được điều đó, tài sản này của họ cũng sẽ bị tịch thu.

Thu hồi tài sản TN còn có thể đạt được theo cách thông thường là dựa vào các chế tài mang tính kinh tế, ví dụ như phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Nam Phi quy định, có thể áp dụng biện pháp bổ sung với mức phạt tiền lên đến năm lần giá trị của khoản lợi bất chính do TN. Còn ở Hồng Kông, của hối lộ và các lợi ích khác có được từ hành vi phạm tội hối lộ sẽ bị thu hồi. Thậm chí người đưa hối lộ còn có thể bị yêu cầu khắc phục lại bất kì thiệt hại nào gây ra bởi hành vi phạm tội. Tất nhiên, để làm được điều đó, các quốc gia phải có cơ chế kiểm soát tài sản trước, trong và sau khi xử lý tội phạm TN.

Phải kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội

Nhìn lại Việt Nam, theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu của việc thu hồi tài sản TN đạt tỷ lệ thấp là do đối tượng phạm tội TN thường là người có chức vụ, quyền hạn nên có khả năng, điều kiện để đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản. Thời gian giải quyết các vụ án TN lại kéo dài và Việt Nam chưa có hệ thống đăng ký tài sản tập trung, thống nhất, minh bạch. Trong khi đó, kê khai tài sản được xem là một biện pháp phòng ngừa TN - cơ sở tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản TN chưa thực sự hiệu quả, có nơi còn mang tính hình thức.

Thậm chí, ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp (cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản TN) cho biết, lỗ hổng trong thu hồi tài sản hiện nay còn xuất phát từ nhận thức cho rằng thu hồi tài sản chỉ là phần đi kèm, là khâu cuối cùng. “Nhiều người chưa nhận thức được thu hồi tài sản TN phải diễn ra song song, có khi phải tiến hành trước để lần ra dấu vết tội phạm, ngăn chặn, giải quyết triệt để hậu quả của tội phạm TN”, ông Tú nói.

Các chuyên gia cho rằng, muốn làm tốt việc thu hồi tài sản TN, phải làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội. Pháp luật cần qui định rõ hơn và có cơ chế giám sát, kiểm tra việc kê khai, biến động tài sản. “Chúng ta phải nghiên cứu kiểm soát tài sản của toàn bộ xã hội chứ không chỉ loay hoay kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn để tránh xảy ra trường hợp bố là Chủ tịch UBND tỉnh, HĐND tỉnh… không có tài sản nhưng con là giám đốc 1 ngân hàng có hàng nghìn tỷ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

Ông Tú còn lưu ý, thu hồi tài sản TN không chỉ được thực hiện thông qua hình sự mà cần phải thông qua các kênh khác như kênh dân sự, hành chính để triệt tiêu tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con” của người phạm tội TN và những người liên quan.

Cơ quan PCTN phải “độc lập và mạnh”

Một vấn đề khác, để vừa chống TN hiệu quả, vừa tăng tỷ lệ thu hồi tài sản TN, nhiều chuyên gia lưu tâm đến “sức mạnh” của các cơ quan PCTN. Theo ông Scott Ciment, cố vấn chính sách của UNDP, hiệu quả PCTN không chỉ hình phạt tiền hay tù, quan trọng phải tăng khả năng của các cơ quan PCTN. “Nếu người có ý định TN nghĩ đến khả năng bị phát hiện, bị bắt lớn thì họ sẽ giảm khả năng TN, ngược lại thì sẽ liều lĩnh hơn”, vị chuyên gia này cảnh báo.

Đồng tình phải tăng cường nghiệp vụ cơ bản và nghiệp vụ điều tra vì nếu làm tốt sẽ phát hiện sớm hành vi TN, nhưng ông Quyền cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thu hồi tài sản. “Lâu nay chúng ta chưa quy định trách nhiệm một cách rạch ròi các cơ quan tố tụng có trách nhiệm thu hồi tài sản trong các vụ án TN nên người ta thu hồi cũng được mà không thu hồi cũng được”, ông Quyền nói.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị, cần tiến hành sơ kết, đánh giá về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống TN; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để xử lý triệt để hơn các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm tiêu cực, TN.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm