Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát động các cuộc thi về ngành Thanh tra

Thứ ba, 07/07/2015 - 20:51

(Thanh tra)- Ngày 7/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi họp báo phát động Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” và “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra”.

Cách đây gần 70 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt. Đây là ngày đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

Hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, ngành đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thanh tra làm rõ nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong nền kinh tế thị trường. Suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành, nhiều tập thể và cá nhân của ngành Thanh tra vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Năm 2015 là năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước, đặc biệt là diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp. Đối với ngành Thanh tra, đây là năm quan trọng, đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Chào đón sự kiện quan trọng này, Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” và cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra”.

Cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra” nhằm tổng hợp ghi nhận về những đóng góp của ngành Thanh tra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những dấu ấn đậm nét, những mốc son lịch sử trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển đầy vẻ vang của ngành Thanh tra.

Các tác phẩm báo chí tham dự cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra” là những tác phẩm tập trung phản ánh các nội dung: Chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; những thành tựu và đóng góp của ngành Thanh tra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong 70 năm qua; những sự kiện, hoạt động nổi bật của ngành Thanh tra; những tấm gương điển hình trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; những phát hiện đặc sắc về lịch sử và truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra.

Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Thanh tra về truyền thống vẻ vang của ngành.

“Hai cuộc thi, cùng với phong trào thi đua hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành sẽ trở thành một dấu ấn đặc biệt đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Thanh tra; trở thành động lực để mỗi người đóng góp sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mình cho chặng đường phát triển tiếp theo của ngành, để nối tiếp và phát huy bề dày truyền thống mà lớp lớp các đồng chí, đồng nghiệp đi trước đã dày công vun đắp và để lại cho chúng ta hôm nay” - đại diện Ban Tổ chức khẳng định.

Đối tượng dự thi của Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” là tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan thanh tra Nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trừ thành viên Ban Tổ chức, thành viên Ban Giám khảo, thành viên Tổ Thư ký và cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi.

Đối tượng dự thi của Cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra” là công dân Việt Nam, tác giả các tác phẩm báo chí phù hợp với thể lệ cuộc thi. Tác phẩm dự thi là bài hoặc chùm bài (tối đa không quá 5 kỳ) của một hoặc một nhóm tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí, báo điện tử từ ngày 1/8/2011 đến hết ngày 31/8/2015, thuộc các thể loại: Bài phản ánh, Nghiên cứu, Trao đổi, Phóng sự, Điều tra, Bút ký, Ghi chép, Chính luận (Bình luận, Xã luận, Chuyên luận); Phỏng vấn… Ban Tổ chức không nhận các tác phẩm thuộc thể loại báo chí khác như tin, ảnh báo chí hoặc các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm văn nghệ, tranh vẽ…); các tác phẩm đã đạt giải báo chí quốc gia.

Thời gian trao giải giữa tháng 11/2015. Giải thưởng cao nhất đối với cá nhân lên tới 10.000.000 đồng, đối với tập thể là 15.000.000 đồng đối với cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành Thanh tra”; giải A đối với cá nhân lên tới 25.000.000 đồng, giải Nhất tập thể 15.000.000 đồng đối với cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra”.

Các cá nhân, tập thể, nhóm tác giả đạt giải được Ban Tổ chức tặng Giấy khen và đề nghị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khen thưởng theo quy định.

Thời gian nhận bài thi từ 15/08/2015 đến 15/09/2015 đối với cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành Thanh tra”; từ ngày 1/9/2015 đến 30/9 năm 2015 đối với cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra”. Tác phẩm dự thi gửi về Báo Thanh tra, địa chỉ: 100 Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; điện thoại: 04.37.282.019/33.520.006; email: thukybientap@thanhtra.com.vn.

BỘ CÂU HỎI Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” Câu 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bao nhiêu Sắc lệnh liên quan tới tổ chức, cán bộ và hoạt động thanh tra? Câu 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chỉ đạo công tác thanh tra bao nhiêu lần, những di huấn nổi tiếng của Người về công tác thanh tra? Câu 3: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Anh/chị hãy nêu hiểu biết của mình về lời huấn thị trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Câu 4: Những văn bản của Đảng và Nhà nước (Chỉ thị của Bộ Chính trị, từ Nghị định của Chính phủ trở lên) đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra? Câu 5: Tổ chức tiền thân của Thanh tra Chính phủ là Ban Thanh tra Đặc biệt. Cho đến nay đã bao nhiêu lần đổi tên, cụ thể là gì, thời gian nào? Câu 6: Cho biết tên các đồng chí đứng đầu ngành Thanh tra qua các thời kỳ? Câu 7: So sánh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy của các cơ quan Thanh tra Nhà nước quy định tại Pháp lệnh Thanh tra 1990 và Luật Thanh tra 2004, Luật Thanh tra 2010? Trong giai đoạn tới (2016-2020) ngành Thanh tra phải tập trung vào những nhiệm vụ nào? Câu 8: Sự khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Thanh tra Nhà nước quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo 1998 và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo 2011? Câu 9: Vị trí, vai trò của các cơ quan Thanh tra Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng qua các thời kỳ (So sánh giữa Pháp lệnh Chống tham nhũng 1998 với Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đã sửa đổi, bổ sung). Câu 10: Cho biết những hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn 2011 đến nay (tháng 7/2015). Bao nhiêu thỏa thuận hợp tác song phương được Thanh tra Chính phủ ký kết, gồm những thỏa thuận nào? Thanh tra Chính phủ là thành viên của các tổ chức quốc tế đa phương nào? Nội dung hợp tác chính là gì? BAN TỔ CHỨC

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm