Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lấy cán bộ, công chức làm trung tâm

Thứ ba, 25/12/2018 - 06:30

(Thanh tra)- Là một trong những giải pháp nhằm xây dựng chế độ công vụ liêm chính phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam được ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tư liệu, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đề xuất tại đề tài nghiên cứu khoa học của mình.

Lấy cán bộ, công chức làm trung tâm để xây dựng chế độ công vụ liêm chính. Ảnh minh họa

Xây dựng thể chế công vụ, đội ngũ CB,CC được chú trọng

Xây dựng chế độ công vụ liêm chính là quá trình ban hành thể chế công vụ nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa Nhà nước, cán bộ, công chức (CB,CC) và người dân, doanh nghiệp nhằm bảo đảm cho các chủ thể thực thi công vụ thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trên cơ sở nền tảng của các giá trị đạo đức và quy phạm pháp luật, không tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế tại Việt Nam trong những năm qua, việc xây dựng thể chế công vụ, tổ chức bộ máy và đội ngũ CB,CC được chú trọng. Riêng trong năm 2017, Chính phủ đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành 15 luật; các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành 142 nghị định... "Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan Nhà nước, đội ngũ CB,CC thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, phòng ngừa việc lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để thực hiện các hành vi tham nhũng", ThS. Đức nhấn mạnh.

Mặt khác, các văn bản pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành đã làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống hành chính, loại bỏ phần lớn sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; phân định rõ hoạt động của cơ quan hành chính với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ CB,CC cũng được Hội nghị lần 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã thông qua Nghị quyết 18 về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp sếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Nhiều "rào cản" trong việc hoàn thiện thể chế công vụ

Mặt khác, thực tiễn cho thấy, tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử trên bình diện cả nước còn khá phổ biến; nhiều CB,CC, viên chức, thậm chí là người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức thực hiện; cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ, không nghiêm, chưa tạo được ý thức tuân thủ rộng rãi các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành cử cán bộ, công chức, viên chức...

Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế về công vụ còn nhiều tồn tại, trong đó cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước chưa hoàn thiện, còn khoảng trống pháp lý trong kiểm soát quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ; thiếu sự nhất quán trong xây dựng chế độ, chính sách về công vụ; việc thành lập mới các cơ quan Nhà nước ngoài việc được điều chỉnh trong luật, nghị định còn được điều chỉnh trong các quyết định cá biệt; việc quy định quyền và nghĩa vụ của công dân được thể chế hóa trong luật nhưng lại bị giới hạn trong các văn bản hướng dẫn thi hành; một số quy định về chế độ công vụ chưa được áp dụng thống nhất trong toàn bộ nền hành chính mà trong mỗi hệ thống cơ quan lại có những quy định riêng cho hệ thống cơ quan mình.

Tính ổn định của chế độ công vụ chưa cao, thường xuyên có sự thay đổi; xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo đảm liêm chính trong hoạt động công vụ chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Trong vận hành chế  độ công vụ còn nhiều rào cản trong thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước mà xuất phát từ các quy định pháp luật điều chỉnh trong hoạt động công vụ.

Trách nhiệm trong hoạt động công vụ chưa cao; việc xác định trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu với cấp phó trong hoạt động công vụ còn nhiều bất cập; các biện pháp phòng ngừa xung đột, lợi ích hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức, thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ; chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

Tình trạng vi phạm về quy tắc tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp trong hoạt động công vụ diễn ra khá phổ biến...

Thực hiện đúng nguyên tắc quyền lợi đến đâu, trách nhiệm đến đó

Để khắc phục những hạn chế trong xây dựng chế độ công vụ liêm chính nhằm PCTN, ThS. Lê Văn Đức đã đưa ra các giải pháp như: Xây dựng dựng chế độ liêm chính nhằm PCTN phải lấy cán bộ, công chức làm trung tâm; phải gắn với cải cách nền hành chính Nhà nước; có lộ trình và phù hợp với thể chế chính trị tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước bảo đảm không có sự chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp lại một số cơ quan có nhiệm vụ giao thoa, trùng lắp về quản lý Nhà nước; rà soát lại những nhiệm vụ mà cơ quan Nhà nước không cần thiết phải thực hiện để khuyến khích cho các cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận; thực hiện đúng nguyên tắc cơ quan Nhà nước, CB,CC chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó.

Ngoài ra, cần xây dựng thể chế, chính sách công vụ phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch, đơn giản, tính khả thi cao, dễ thực hiện và có tính ổn định cao, loại bỏ sự cài đặt các quy định mập mờ, không minh bạch, lợi ích nhóm, gây phiền hà, sách nhiễu để tham nhũng...

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm