Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản lý nặng hành chính, quan liêu, các Hội khó “sống”

Thứ sáu, 10/06/2016 - 15:15

(Thanh tra) - TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật về Hội quy định về việc quản lý còn nặng tính chất hành chính quan liêu, chắc chắn sẽ khiến cho Hội nhiều khó khăn trong hoạt động…

Theo các chuyên gia, cần tôn trọng quyền lập hội của người dân, không nên quá "nặng" quản lý hành chính Nhà nước. Ảnh: TN

Ngày 10/6, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Quản lý Nhà nước đối với Hội và quyền lập Hội của công dân”.

Tại sao can thiệp quá sâu vào quyền của Hội?

Theo TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA, dự thảo Luật về Hội cần làm rõ 4 vấn đề cốt lõi.

Đó là, làm rõ các khái niệm, định nghĩa về hội; xác định rõ quyền lập hội của người dân; quy định về tổ chức, hoạt động Hội trên cơ sở tôn trọng quyền lập Hội của công dân và quy định về quản lý Hội, trong đó có quản lý Nhà nước về Hội.

“Luật không nên đi quá sâu có tính chất hướng dẫn các tiểu tiết về cách thức tổ chức và cách thức hoạt động Hội. Dự thảo Luật cho thấy, quy định về việc quản lý Hội còn nặng tính chất hành chính quan liêu, và chắc chắn sẽ tạo cho Hội nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động”, ông Tân nói.

Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội còn chỉ ra, điều kiện thành lập Hội phức tạp, chồng chéo, “xem nhẹ” việc tạo điều kiện cho Hội thực hiện các quyền, cũng như nghĩa vụ của mình.

“Chúng ta đã có gần 1.000 Hội ở Trung ương do Bộ Nội vụ cấp giấy phép hoạt động. Rồi hàng vạn Hội địa phương do UBND tỉnh, TP cấp phép hoạt động theo điều lệ quy định khá đầy đủ, chi tiết. Người ta đủ sức khỏe, trình độ, có khả năng cống hiến cho đất nước thì cho người ta hoạt động chứ sao lại quy định chỉ được làm mấy nhiệm kỳ, tuổi tác ra sao? Tại sao lại can thiệt quá sâu như vậy?”, ông Hùng nêu quan điểm.

Người nước ngoài có được tham gia Hội không?

Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng cho rằng “chất lượng của Luật chưa ổn”.

“Công dân nước ngoài có được tham gia Hội không? Nếu không là khó vì chúng ta đang hội nhập sâu rộng, vậy trách nhiệm quản lý Nhà nước về vấn đề này như thế nào?”, ông Phạm Tuấn Khải đặt vấn đề.

TS Phạm Văn Tân cũng lưu ý, trong bối cảnh nước ta hiện nay quá đề cao việc các Hội hoạt động theo tinh thần tự nguyện, tự quản, tự tìm cách tồn tại mà thiếu vắng sự quan tâm từ phía Nhà nước e rằng các Hội sẽ dễ bị các thế lực khác lôi kéo, không đúng con đường Đảng đã đề ra.

Nhìn dưới góc độ thành lập Hội là một trong những quyền cơ bản của công dân, theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững, dự thảo Luật nên tôn trọng điều này và chỉ nên hạn chế quyền này khi việc thành lập Hội ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chấm dứt lối tư duy xin - cho

Một vấn đề khác được các chuyên gia đề cập là nguồn tài chính của Hội. Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, dự thảo Luật cần bổ sung quyền của Hội được tiếp cận với nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng chuyển giao dần nhiều công việc dịch vụ, sự nghiệp công ích từ Nhà nước sang các tổ chức xã hội.

Ông Tân phân tích, cơ bản ngân sách Nhà nước do các cơ quan Nhà nước quản lý, phân bổ và sử dụng. Các Hội khó có cơ hội tiếp cận trực tiếp nguồn ngân sách này trừ khi được các cơ quan Nhà nước giao. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào ý chí của các cơ quan công quyền nên lối tư duy xin - cho vẫn tồn tại cần được thay đổi. Các Hội tiếp cận và thực hiện dịch vụ công phải được thể hiện gắn với quyền tiếp cận ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực này theo quy định của Luật.

Ông Trần Ngọc Hùng cũng đề nghị, quy định chi tiết các quyền của Hội, trong đó quy định rõ loại dự án bắt buộc phải có sự tham gia tư vấn phản biện giám định xã hội có liên quan, đặc biệt là các dự án luật quy hoạch, công trình lớn ảnh hưởng đến di dân, môi trường, đời sống của người dân.

Từ đó, đưa ra một số quy định cụ thể loại việc nào được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí trong tư vấn, phản biện, giám định xã hội.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm