Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khởi kiện trực tuyến “rút” thời gian giải quyết tranh chấp

Thứ sáu, 02/10/2015 - 07:55

(Thanh tra) - Theo các chuyên gia, để cải thiện môi trường kinh doanh trong giải quyết tranh chấp thương mại cần áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến, tiến tới vận hành mô hình “Tòa án điện tử” …

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Tưởng Duy Lượng đề nghị, đơn giản hóa thủ tục khởi kiện và phải hạn chế sự can thiệp của cơ quan nhà nước khi giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại. Ảnh: Thảo Nguyên

Ngày 1/10, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo tham vấn “Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự để cải thiện môi trường kinh doanh”.

Tiến tới vận hành “Tòa án điện tử”

Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy, thời gian tố tụng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh. Nghị quyết 19/CP của Chính phủ đặt mục tiêu “đơn giản hóa thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại xuống còn tối đa 200 ngày (hiện nay là 400 ngày) và 24 tháng (hiện nay là 60 tháng), nhất là đối với các tranh chấp quy mô nhỏ và giữa các doanh nghiệp nhỏ, vừa thông qua Tòa án”.

Kết quả khảo sát cho thấy, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài do phần lớn các doanh nghiệp vẫn áp dụng phương thức quản lý theo sổ sách; thủ tục tố tụng tống đạt gồm nhiều bước, tốn nhiều thời gian… Thẩm phán tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng cũng thừa nhận, thủ tục tống đạt, thông báo văn bản tố tụng chưa cụ thể, vừa gây khó khăn cho hoạt động của tòa án, vừa kéo dài thời gian vụ án.

Theo CIEM, áp dụng phương thức giao dịch trực tuyến được nhiều nền kinh tế trên thế giới chọn lựa áp dụng. Cả 6 quốc gia dẫn đầu về môi trường kinh doanh của ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippine, Brunei) đều áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến. Tùy theo hệ thống trực tuyến, các nước còn cho phép thêm việc thanh toán án phí trực tuyến, thông báo tình trạng xử lý vụ án, công khai bản án và gửi bản án cho đương sự qua hệ thống điện tử.

Nộp đơn kiện chưa phải chứng minh yêu cầu

Từ thực tiễn nhiều năm làm công tác xét xử, theo nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Tưởng Duy Lượng, trong mỗi giai đoạn tố tụng đều cần giảm thời hạn, thủ tục như thời hạn niêm yết nên giảm còn 10 ngày thay vì 15 ngày như quy định của dự thảo.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, không nên yêu cầu đương sự khi nộp tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình phải “có căn cứ và hợp pháp” ngay tại thời điểm nhận đơn. “Đánh giá tài liệu, chứng cứ là có căn cứ hay không, luật sư, thẩm phán còn “toát mồ hôi”, nên yêu cầu phải đánh giá ngay tại thời điểm nhận đơn vừa khó, vừa kéo dài vụ án”, Luật sư Chu Khắc Hoài Dương, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài thương mại Việt Nam cho biết.

Đồng quan điểm, đại diện CIEM lưu ý, “nghĩa vụ chứng minh chứng cứ thuộc về đương sự nhưng trong nhiều trường hợp cần sự hỗ trợ của tòa án hoặc các cơ quan, tổ chức mới có thể thu thập được chứng cứ”. Không chỉ vậy, cần đơn giải hóa yêu cầu “có con dấu” trong đơn khởi kiện của cơ quan, tổ chức vì theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì việc sử dụng con dấu do doanh nghiệp quyết định. Thực tế các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài không có con dấu.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm