Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khi xác minh phải có từ hai thành viên trở lên

Thứ ba, 06/06/2017 - 07:03

(Thanh tra)- Là một trong những nội dung quy định tại Thông tư số 36/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành ngân hàng.

Điều 16 quy định đoàn thanh tra (ĐTT) yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra. Việc yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, biên bản giao nhận thông tin, tài liệu thực hiện theo Thông tư này.

Nghiên cứu các thông tin, tài liệu đã thu thập được để làm rõ nội dung thanh tra; đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công; xem xét, đánh giá mức độ rủi ro và các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của đối tượng thanh tra; xác định những nội dung liên quan nhưng chưa có hồ sơ để yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp bổ sung hồ sơ; xác định những vấn đề chưa rõ để yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình và cung cấp bổ sung hồ sơ.

Trường hợp cần đối tượng thanh tra báo cáo những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì trưởng ĐTT có văn bản yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.

Trường hợp cần thiết để xác minh thông tin, tài liệu, hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng ĐTT mời người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có liên quan đến làm việc. Trường hợp cần xác minh thông tin, tài liệu tại cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung thanh tra, trưởng ĐTT quyết định nội dung cần xác minh, thông báo trước thời gian, địa điểm, nội dung làm việc và yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác minh.

Trưởng ĐTT trực tiếp hoặc cử thành viên ĐTT thực hiện xác minh. Khi tiến hành xác minh phải có từ hai thành viên ĐTT trở lên. Khi làm việc với tổ chức, cá nhân được xác minh, thành viên ĐTT phải xuất trình quyết định thanh tra, giấy giới thiệu của cơ quan quản lý trực tiếp người ra quyết định thanh tra, thẻ thanh tra viên (hoặc thẻ công chức đối với thành viên ĐTT chưa phải là thanh tra viên).

Kết quả xác minh phải được thể hiện bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác minh hoặc lập thành biên bản xác minh. Trường hợp tổ chức, cá nhân được xác minh từ chối ký biên bản thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung ghi trong biên bản. Tổ chức, cá nhân được xác minh chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, đúng đắn và chính xác của hồ sơ, tài liệu, thông tin cung cấp.

Kết quả làm việc liên quan đến nội dung thanh tra giữa ĐTT, tổ thanh tra, nhóm thanh tra, thành viên ĐTT và cá nhân, đơn vị, người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra phải được lập thành biên bản làm việc.

Quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm đến mức phải xử lý ngay thì trưởng ĐTT, thành viên ĐTT phải lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra để làm cơ sở cho việc xử lý. Việc xử lý vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải truy cứu trách nhiệm hình sự, trưởng ĐTT có trách nhiệm báo cáo với người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra.

Trường hợp không làm việc tại nơi được thanh tra, trưởng ĐTT có văn bản thông báo gửi đối tượng thanh tra và báo cáo với người ra quyết định thanh tra. Việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.

Điều 17 quy định, theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu của trưởng ĐTT, thành viên ĐTT có trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao cho trưởng ĐTT. Trường hợp phát hiện những vấn đề vượt quá thẩm quyền cần phải xử lý ngay thì kịp thời báo cáo trưởng ĐTT xem xét, quyết định.

Trưởng ĐTT có trách nhiệm xem xét, có ý kiến chỉ đạo cụ thể, trực tiếp về các báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ, xử lý kịp thời kiến nghị của thành viên ĐTT; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Trưởng ĐTT có trách nhiệm báo cáo với người ra quyết định thanh tra về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra của ĐTT theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu đột xuất của người ra quyết định thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản về báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ, xử lý kịp thời kiến nghị của trưởng ĐTT. Trường hợp phát hiện những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì người ra quyết định thanh tra kịp thời báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, quyết định. Trường hợp vượt quá thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thì người ra quyết định thanh tra kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

Báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra được thể hiện bằng văn bản, gồm các nội dung: Tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra đến ngày báo cáo so với kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt; nội dung thanh tra đã hoàn thành, kết quả phần việc đã thanh tra, nội dung thanh tra đang tiến hành; dự kiến công việc thực hiện trong thời gian tới; khó khăn, vướng mắc và đề xuất (nếu có); trường hợp chậm tiến độ hoặc nội dung thanh tra chưa hoàn thành theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt thì phải báo cáo lý do và đề xuất xử lý.

B.B.Đ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm