Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khi nào xử hình sự pháp nhân?

Thứ hai, 07/09/2015 - 08:32

Tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLHS (sửa đổi) do Bộ Tư pháp vừa tổ chức tại TP.HCM, hai vấn đề gây nhiều chú ý là nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân phạm tội và bỏ án tử hình trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người…

Lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường một doanh nghiệp vụ xả nước thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: CTV

Khoản 1 Điều 75 dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.

Làm rõ người chỉ đạo, điều hành

Tại hội nghị, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Quy định trên có ưu điểm là dễ áp dụng để truy cứu trách nhiệm pháp nhân như các biện pháp xử lý hành chính, dân sự hiện nay.

Tuy nhiên, theo TS Tuấn, việc chứng minh dấu hiệu “hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân” có thể gặp vướng mắc: Có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của ai? Cấp quản lý nào trong pháp nhân: Tổ trưởng? Trưởng phòng kinh doanh? Thành viên hội đồng quản trị? Ban giám đốc? Giám đốc? Chủ tịch hội đồng quản trị?

Việc dự thảo không quy định cụ thể về người “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận” hành vi phạm tội sẽ dễ dẫn đến sự tùy tiện, mở rộng quá mức trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Vì vậy, TS Tuấn đã đề xuất phải sửa đổi lại như sau: Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận hoặc thực hiện bởi ban lãnh đạo hoặc đại diện của pháp nhân. “Sửa như vậy, chúng ta sẽ đồng nhất được hành vi và lỗi của các lãnh đạo cao nhất của pháp nhân với hành vi và lỗi của pháp nhân” - TS Tuấn nói.

Bỏ tử hình một số tội liên quan đến chiến tranh?

Một vấn đề khác gây nhiều chú ý là đề xuất bỏ án tử hình trong một số tội liên quan đến chiến tranh. Trong bảy tội danh mà dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bỏ hình phạt tử hình có ba tội liên quan đến chiến tranh là tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341), tội chống loài người (Điều 342), tội phạm chiến tranh (Điều 343).

Theo TS Phan Anh Tuấn, đây là những tội có tính nguy hiểm rất cao. Việc bỏ hình phạt tử hình ở các tội này sẽ không tương xứng với các tội phạm khác trong BLHS: Giết một người có thể bị tử hình (tội giết người), còn giết rất nhiều người (tội chống loài người, tội phạm chiến tranh) thì lại thoát là không ổn.

Ngược lại, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho rằng thực tiễn thi hành BLHS cho thấy các tội này mang tính phòng ngừa là chủ yếu bởi từ năm 1985 đến nay chưa có trường hợp nào phạm các tội này và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, xu hướng quốc tế cũng đã bỏ hình phạt tử hình đối với các tội này. Ví dụ: Liên bang Nga chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội diệt chủng (một trong tám tội danh thuộc nhóm tội phá hoại hòa bình và an ninh loài người).

Từ đó ông Độ cho rằng trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương giảm hình phạt tử hình thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với ba tội danh trên là hợp lý. Trường hợp cần thiết thì có thể xử lý hình sự về một số tội danh khác có quy định hình phạt tử hình như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, khủng bố...

“Việc bỏ hình phạt tử hình đối với ba tội này không những không ảnh hưởng nhiều đến thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn góp phần làm giảm bớt số lượng tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS” - ông Độ nói.

Nhân đạo với người cao tuổi phạm tội

Dự thảo BLHS (sửa đổi) mở rộng diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình theo hướng ngoài hai đối tượng như quy định hiện hành (người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi) thì bổ sung đối tượng là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Việc bổ sung đối tượng này vào diện không bị áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với người cao tuổi. Trên thế giới, pháp luật hình sự của một số nước cũng có quy định loại trừ việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người cao tuổi. Theo tôi, nên bổ sung quy định là không áp dụng hình phạt tử hình với người từ 75 tuổi trở lên vào thời điểm thi hành án. Chẳng hạn lúc tòa xét xử, quyết định hình phạt tử hình, bị cáo mới 74 tuổi nhưng đến thời điểm thi hành, người này đã 75 tuổi thì không được thi hành án tử nữa.

TSPhan Anh Tuấn,Trường ĐH Luật TP.HCM

Theo Ngân Nga/PLO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm