Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kế hoạch tiến hành thanh tra là tài liệu nội bộ của đoàn thanh tra

Thứ sáu, 02/12/2016 - 06:35

(Thanh tra)- Là một trong những nội dung được quy định tại 4 quy trình thanh tra an toàn thực phẩm vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành tại Quyết định số 4988/QĐ- BYT.

Kết quả làm việc được thể hiện bằng văn bản

Trong phạm vi thời gian cho phép, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra và trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 07/2012 ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành (sau đây gọi chung là Nghị định số 07/2012). Kế hoạch tiến hành thanh tra là tài liệu nội bộ của đoàn thanh tra. Trường hợp thanh tra đột xuất mà việc tiến hành thanh tra yêu cầu phải thực hiện ngay sau khi có quyết định thanh tra thì không phải xây dựng kế hoạch thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp đoàn thanh tra để phổ biến và phân công nhiệm vụ cho các tổ, các thành viên đoàn thanh tra; thảo luận về phương pháp tiến hành thanh tra; sự phối hợp giữa các tổ, nhóm, các thành viên đoàn thanh tra. Khi cần thiết trưởng đoàn thanh tra tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ cho thành viên đoàn thanh tra.

Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.

Đối với các đoàn thanh tra an toàn thực phẩm thí điểm triển khai theo Quyết định số 38/2015 ngày 9/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, việc công bố quyết định thanh tra không phải lập thành biên bản riêng mà được ghi thành một mục trong biên bản thanh tra, biên bản kiểm tra, xác minh.

Trong quá trình thanh tra, trưởng đoàn, thành viên đoàn yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra. Việc yêu cầu cung cấp tài liệu và giao nhận tài liệu phải lập thành biên bản.

Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu các thông tin, tài liệu đã thu thập được; kiểm tra, xác minh tại nơi sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản thực phẩm để làm rõ nội dung thanh tra; đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công; yêu cầu người có trách nhiệm, người có liên quan giải trình về những vấn đề chưa rõ; trường hợp cần phải tiến hành kiểm tra, xác minh để việc đánh giá bảo đảm tính khách quan, chính xác thì thành viên đoàn thanh tra báo cáo trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

Kết thúc tại nơi được thanh tra thực hiện khi thời hạn đã hết

Trường hợp cần thiết để kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì trưởng đoàn, người ra quyết định mời đối tượng thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có liên quan đến làm việc; trường hợp cần làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì trưởng đoàn, người ra quyết định có công văn yêu cầu yêu cầu đối tượng báo cáo.

Kết quả kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; kiểm tra, xác minh tại nơi sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản thực phẩm liên quan đến nội dung thanh tra phải được thể hiện bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm tra, xác minh hoặc lập thành biên bản kiểm tra, xác minh.

Kết quả làm việc liên quan đến nội dung thanh tra phải được thể hiện bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được làm việc hoặc lập thành biên bản làm việc.

Khi thực hiện quyền trong hoạt thanh tra, trưởng đoàn, người ra quyết định thanh tra áp dụng các thủ tục theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 05/2014 ngày 6/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm đến mức phải xử lý ngay thì trưởng đoàn, thành viên đoàn phải lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở cho việc xử lý.

Việc xử lý sai phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.

Khi phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Trong trường hợp người ra quyết định thanh tra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra thì trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo tập hợp hồ sơ, tài liệu để chuyển cơ quan điều tra. Việc bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra phải được lập thành biên bản.

Việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm thực hiện theo quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

Trước khi kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp đoàn thanh tra để thống nhất các nội dung công việc cần thực hiện cho đến ngày dự kiến kết thúc thanh tra trực tiếp.

Trưởng đoàn thanh tra thông báo bằng văn bản về thời gian kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra và gửi cho đối tượng thanh tra biết hoặc có thể thông báo trực tiếp tại buổi làm việc với đối tượng thanh tra trước kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra. Trường hợp thông báo trực tiếp tại buổi làm việc với đối tượng thanh tra trước kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra thì nội dung thông báo được ghi tại phần cuối của biên bản thanh tra, biên bản kiểm tra, xác minh.

Kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra thực hiện khi thời hạn thanh tra đã hết hoặc thời hạn thanh tra chưa hết nhưng đã hoàn thành toàn bộ nội dung thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.

B.B.Đ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm