Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chia sẻ gánh nặng chi phí, rủi ro bệnh tật

Thứ sáu, 07/07/2017 - 06:35

(Thanh tra)- Còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống. Để đạt mục tiêu BHYT toàn dân, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, BHXH đã ký với gần 9.900 tổ chức, gồm 33.000 nhân viên, tại 28.000 điểm thu trải khắp cả nước để người dân dễ dàng tiếp cận…

BHYT giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: KT

Gần 9.900 tổ chức chung tay

Theo kế hoạch phát triển BHYT toàn dân đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã mở rộng mạng lưới đại lý thu. 

Sau 8 năm, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã có những chuyển biến rõ nét. Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng đã tích cực cải cách hành chính theo hướng coi người bệnh là trung tâm. 

Hệ thống thông tin giám định BHYT được kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ đến KCB được phục vụ kịp thời, góp phần phòng ngừa các biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

“Các đề án giảm tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án y tế cơ sở, các quy định về cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo môi trường y tế xanh - sạch - đẹp đã và đang phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết. 

Đáng chú ý, người dân được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư; chất lượng KCB BHYT và sự hài lòng của người dân có thẻ BHYT khi đi KCB từng bước được nâng cao, cải thiện rõ rệt.

Phát triển BHYT bền vững, hiệu quả

Từ sự vào cuộc, phấn đấu của các ngành, các cấp, sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, tỉ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh. Nếu năm 1993, mới ở con số 5,6% dân số thì năm 2011 đã tăng lên 63,7% và đến nay cả nước đã có gần 76,4 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 82% dân số. 

Phạm vi, quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, ước cả nước có gần 75,6 triệu lượt người KCB được quỹ BHYT chi trả.

“Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí KCB”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong Chương trình “BHYT toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng" cuối tháng 6 mới đây.

Nỗ lực nhiều là vậy, nhưng vẫn còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi cũng chưa đầy đủ. Việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT xảy ra nhiều. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm, gây bức xúc dư luận.

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT cho người lao động. Nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT, BHXH, để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi, chủ động, tích cực tham gia BHYT.

Hoài Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm