Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bình đẳng thu thập chứng cứ với bên buộc tội: Luật sư lo là “mỹ từ”

Thứ năm, 09/06/2016 - 21:20

(Thanh tra)- Quyền thu thập chứng cứ bình đẳng giữa bên gỡ tội và bên buộc tội theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, luật sư lo ngại chỉ là… “mỹ từ”.

Luật sư Việt Nam trao đổi với các luật sư nước ngoài về kỹ năng thẩm vấn, tranh tụng trong các vụ án hình sự. Ảnh: Thảo Nguyên

Sáng nay (9/6), Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Quỹ Hợp tác phát triển Nhà nước Đức (IRZ) tổ chức hội thảo kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng của luật sư trong các vụ án hình sự.

Luật sư lấy lời khai người bị tạm giữ phải chờ… duyệt

Phán quyết của TAND phải dựa trên quá trình tranh tụng tại phiên tòa và đánh giá các chứng cứ. Chính vì vậy, thu thập, kiểm tra, sử dụng, đánh giá chứng cứ được tiến hành khách quan, cẩn trọng sẽ loại trừ hiện tượng sai lệch hồ sơ, chứng cứ phản ánh sự việc không đúng sự thật dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Trên nguyên tắc đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định, luật sư có quyền bình đẳng với bên buộc tội trong thu thập chứng cứ. Ngày 1/7, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành. Chỉ chưa đầy 1 tháng nữa, nhưng đến nay vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, cũng như trách nhiệm cung cấp chứng cứ của các cơ quan hữu quan nên hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ của luật sư rất khó khăn.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, khi tham gia vào việc lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, luật sư chỉ được hỏi nếu được điều tra viên đồng ý, thậm chí phải đưa câu hỏi trước để điều tra viên “duyệt”.

“Luật sư còn bị “giám sát” rất chặt chẽ khi gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tam giam, có khi còn bị hạn chế thời gian chỉ có 30 phút”, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu thông tin, luật sư còn không được tạo điều kiện tiếp xúc riêng tư. Trong khi, nếu luật sư không thu thập được chứng cứ thì “xôi hỏng bỏng không”, khó gỡ tội được cho thân chủ của mình.

Thực tiễn cho thấy, cơ quan điều tra, viện kiểm sát thu thập chứng cứ buộc tội. Khi luật sư thu thập chứng cứ gỡ tội chống lại chứng cứ buộc tội thì rất khó được xem xét một cách khách quan, đầy đủ những chứng cứ “chống lại mình” bởi việc chấp nhận chứng cứ gỡ tội, đặc biệt là chứng cứ minh oan của luật sự chính là nguy cơ dẫn đến chỗ phải bồi thường oan sai (nếu có).

Về phía TAND nếu “đứng chung” với cơ quan điều tra, viện kiểm sát thì quan điểm đánh giá chứng cứ, nhất là chứng cứ gỡ tội do luật sư đưa ra chắc chắn sẽ bị tác động miễn cưỡng và chỉ được ghi nhận một cách hết sức khiêm tốn, chung chung trong bản án là “không có cơ sở”.

“Bẻ luật” khi thu thập chứng cứ phải bị trừng phạt

“Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù oan gần 10 năm là một bài học lớn về tính độc lập của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, không đầu đủ”, luật sư Nguyễn Văn Chiến dẫn ví dụ và cho rằng, phải có cơ chế bảo đảm trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, xem xét, đánh giá chứng cứ của luật sư cung cấp.

Luật sư Chiến lưu ý thêm, khi thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ, không ít người tiến hành tố tụng do bất cẩn đã làm mất mát, hư hỏng thậm chí cố tình đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại những vật chứng quan trọng nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án và không ít trường hợp đã kết án oan người vô tội, bỏ tọt tội phạm. Cho nên, luật sư cũng phải biết cách bảo vệ chứng cứ mình thu thập.

Chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam, luật sư Otmar Kury, Chủ tịch Đoàn Luật sư Hanseatic tại Hamburg (Đức) bày tỏ, một trong các quyền của luật sư là quyền được yêu cầu thực thi các quy định của pháp luật. Quy định của luật dành cho tất cả mọi người nên việc thu thập chứng cứ của các bên được luật cho phép phải được tôn trọng như nhau. Nếu ai “bẻ luật” trong hoạt động này thì đều phải chịu phạt.

Còn bà Angela Schmeink, Giám đốc IRZ tại Berlin, Giám đốc Dự án tại Việt Nam lưu ý, “luật tốt đến mấy mà không triển khai được thì cũng không có giá trị”. Theo bà, cần tăng cường các hoạt động bình luận để luật sư hiểu hơn về các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, áp dụng tốt nhất trong hoạt động nghề nghiệp.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm