Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

SONATU - Cỗ máy làm giàu bất chính

Thứ ba, 23/10/2012 - 07:09

(Thanh tra) - Mới đây, một hội nghị giữa kỳ của ngành Tư pháp nước Cộng hòa Trung Phi đã diễn ra trong bối cảnh có quá nhiều phàn nàn về tình trạng tham nhũng ở các cấp chính quyền, kể cả ở các bộ, ngành Trung ương và các tổng Cty trực thuộc Chính phủ, đặc biệt là Tổng Cty Giao thông Vận tải Trung Phi (SONATU).

Các Cty “sân sau” với những hợp đồng có giá trị “kinh điển” đã mang lại khối tài sản kếch sù cho các quan chức SONATU

Mặc dù trước đó Tổng thống Cộng hòa Trung Phi François Bozizé đã lên tiếng kêu gọi ngành Tư pháp phải kiên quyết xử lý tội phạm tham nhũng, thế nhưng, kết quả hội nghị giữa kỳ của ngành Tư pháp đã khiến người dân Trung Phi thực sự thất vọng.

Cũng bàn về cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay ở Trung Phi, cũng nói về những bê bối tham nhũng xảy ra tại SONATU, nhưng kết luận hội nghị, tất cả những cuộc điều tra về tham nhũng trước đây, trong đó có cuộc điều tra tham nhũng ở SONATU đã được tuyên bố… kết thúc!

Lý giải cho điều này, đại diện ngành Tư pháp Trung Phi khẳng định: Việc chấm dứt các cuộc điều tra tham nhũng trước đây không có gì vi phạm pháp luật. Tất cả các cuộc điều tra đã chấm dứt, bởi toàn bộ hồ sơ cũng như kết luận đã được gửi tới các quan chức và các bộ, ngành liên quan đến chống tham nhũng như: Ủy ban Thanh tra Quốc gia; Michel Koyt - Bộ trưởng Phụ trách Phủ Tổng thống và các mối quan hệ với Nghị viện Trung Phi; các quan chức Chính phủ phụ trách điều hành SONATU; Bộ trưởng Tư pháp Firmin Féïndiro; Alain Tolmon (là em rể của Bộ trưởng Tư pháp) - Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Cộng hòa Trung Phi và Cảnh sát Trưởng Trung Phi Henri Yangué-Linguissara. Ngay cả những báo cáo kiểm toán của các đơn vị kiểm toán độc lập về tình hình tài chính của SONATU cũng đã được gửi tới Văn phòng Viện Kiểm sát Tối cao Trung Phi.

Hồ sơ và kết luận của những vụ án tham nhũng trước đây, trong đó có vụ bê bối tham nhũng ở SONATU, đã được gửi đến những nơi cần gửi. Các cuộc điều tra được chấm dứt, chờ các cơ quan liên quan ra quyết định xử lý. Nhưng, với cách thức điều hành SONATU cũng như việc xử lý tình hình SONATU trong thời gian qua thì có thể thấy, SONATU sẽ lại tiếp tục làm nên những điều bất ngờ, như những gì trước đây từng làm.

SONATU và những “kỷ lục thế giới”

Có lẽ, trên thế giới, hiếm nơi nào như Trung Phi, cũng như hiếm doanh nghiệp nào như SONATU lại có thể chấp nhận việc công khai đàm phán với đối tác để trích lại 10% hoa hồng tiền môi giới. Đó là trường hợp của Michel Koyt - Bộ trưởng Phụ trách Phủ Tổng thống và các mối quan hệ với Nghị viện Trung Phi kiêm Tổng Giám đốc SONATU, người bị cáo buộc biển thủ công quỹ.

Vậy nhưng, theo nhận định của Bộ Tư pháp Trung Phi, hành động này không bị coi là biển thủ công quỹ, bởi Michel Koyt chỉ là người đứng ra làm trung gian đàm phán lấy 10% tiền hoa hồng trong tổng số tiền mà Chính phủ Ấn Độ cho Chính phủ Trung Phi vay để gây dựng nên những tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn mạnh, trong đó có Tổng Cty Xi măng Trung Phi (SOCACIM) và SONATU, với tổng vốn vay lên tới 16 tỷ FCFA (gần 31,6 triệu USD).

Để chứng minh việc làm này không phạm pháp, Bộ Tư pháp Trung Phi còn viện dẫn: Do việc đàm phán của Michel Koyt đạt được thỏa thuận cao nên các nhà đầu tư Ấn Độ còn thưởng thêm cho người này… 1 chiếc xe Jaguar!

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết thêm, thực ra, không phải chỉ có riêng Michel Koyt đàm phán lấy 10% hoa hồng. Trước đây, Emmanuel Touaboy - Đại sứ Cộng hòa Trung Phi tại Hoa Kỳ, cũng đã nhận khoảng 15 - 17% tổng giá trị hợp đồng từ giao dịch giữa Trung Phi và Bộ Quốc phòng Mỹ về việc mua máy bay vận tải Hercules C130. Những việc đó cũng đâu có tạo nên “sóng gió dư luận”.

Có chăng, Michel Koyt bị cáo buộc biển thủ công quỹ là do đã không biết phân tách rõ ràng giữa tiền lương và phúc lợi xã hội. Mức lương Tổng Giám đốc SONATU đã mang lại cho Michel Koyt 3,5 triệu FCFA (hơn 6.900 USD) mỗi tháng. Thêm vào đó là thu nhập từ những công việc khác, cùng với những khoản phúc lợi được hưởng từ các chức vụ kiêm nhiệm trong Chính phủ. Chính vì thế, tổng thu nhập của Michel Koyt luôn cao hơn so với các quan chức đồng cấp khác như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giao thông, thậm chí còn cao hơn cả lương của Thủ tướng. Đó là lý do khiến nhiều người nghi ngờ Michel Koyt có hành vi tham nhũng, biển thủ công quỹ.

Trung Phi là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng lại có thể được xếp vào danh sách những quốc gia có nhiều kỷ lục nhất thế giới, trong đó chủ yếu là kỷ lục về giá trị của các hợp đồng kinh tế.

Trước đây, Trung Phi từng nổi tiếng với một bản hợp đồng cung cấp các thiết bị vệ sinh cho các dự án bất động sản (chủ yếu là các dự án xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan công quyền). Khi đó, Cty Polygone (thuộc sở hữu của Guillaume Lapo - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người từng một thời làm Tổng Giám đốc Ngân sách Quốc gia) đã ký 1 hợp đồng cung cấp các thiết bị vệ sinh, trong đó có thiết bị được coi là đắt nhất thế giới, đó là cái bồn cầu bình thường nhưng có giá lên tới 10 triệu FCFA (khoảng 19.700 USD).

Đến nay, vụ bê bối tham nhũng trong các hợp đồng của SONATU lại tiếp tục đưa Trung Phi lập thêm những kỷ lục mới.

Đơn cử như hợp đồng tư vấn định giá SONATU. Hợp đồng này trị giá 5 triệu FCFA (hơn 9.800 USD), được trả bằng séc. Và, người được hưởng có cái tên không hề xa lạ: Judes Alex Ketté - người mới được Tổng thống Trung Phi đề cử làm Tổng Giám đốc Ngân sách Quốc gia hồi tháng 8/2012.

Công việc của Ketté rất đơn giản: Định giá SONATU. Thế nhưng, điều làm nên kỷ lục cho hợp đồng định giá này không phải là giá trị hợp đồng, mà là khối lượng công việc hợp đồng cũng như kết quả của hợp đồng. Việc định giá cả 1 tổng Cty (mặc dù chỉ có 5 phòng, ban nhỏ bé), với “tài nghệ” của Ketté, tất cả chỉ nằm vỏn vẹn trong 1 trang giấy duy nhất. Điều đặc biệt hơn nữa, sau khi được Ketté định giá, tổng giá trị tài sản của SONATU chỉ còn đáng giá 480 triệu FCFA (hơn 946 nghìn USD), trong khi giá trị thực của SONATA là khoảng 2,75 tỷ FCFA (hơn 5,42 triệu USD). Chỉ tính riêng dàn xe 100 chiếc, mỗi chiếc trị giá tới 24 triệu FCFA (hơn 47.300 USD) đã thấy, văn bản định giá của Judes Alex Ketté đáng được ghi vào Kỷ lục Guinness về mức độ tính toán… sai!

Với dàn xe hàng trăm chiếc “hoành tráng”, nhưng SONATU chỉ được định giá hơn 946 nghìn USD.


Chưa dừng lại ở đó, SONATU tiếp tục lập ra những kỷ lục mới. Sau hợp đồng định giá SONATU, một hợp đồng khác được ký với Abraham Mbokani, cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Phi, với giá trị là 10 triệu FCFA (khoảng 19.700 USD), cũng được trả bằng séc. Nội dung hợp đồng là soạn thảo ra những điều lệ, quy chế hoạt động cho SONATU trên cơ sở tổng vốn đã được Judes Alex Ketté xác định trước đó. Có điều, toàn bộ quy chế, điều lệ hoạt động của SONATU cũng chỉ gói gọn trong 10 trang giấy, tức là, mỗi trang giấy có giá tới 1 triệu FCFA (hơn 1.970 USD).

Dường như chưa cảm thấy đủ với những kỷ lục vừa nêu, SONATU tiếp tục lập thêm kỷ lục mới ngoài sức tưởng tượng. Hợp đồng thứ ba được ký kết, có giá trị cao hơn, lên tới 30 triệu FCFA (hơn 59.100 USD) và cũng được trả bằng séc. Hợp đồng này được ký kết với luật sư Me Gotilogué. Công việc chính là đàm phán với 2 chi nhánh của cùng 1 ngân hàng (NH) để mở 2 tài khoản giao dịch cho SONATU, đồng thời mở giao dịch bảo đảm tín dụng (L/C) cho SONATU. Điều đáng nói ở đây, 2 chi nhánh NH này chỉ cách nhau chưa đầy 300m.

Sau khi đã hoàn tất những công việc để bộ máy đi vào hoạt động, nhằm chứng tỏ là một doanh nghiệp “chuyên nghiệp”, SONATU bắt đầu tính đến chuyện đi thuê các Cty khác “phục vụ” mình. Nắm bắt được định hướng này, 2 Cty “sân sau” cấp tốc được thành lập, đó là Cty Interimex do Giám đốc Tài chính SONATU Médard Gouaye làm Tổng Giám đốc và Cty CST do Rock Bondji (cũng là một quan chức trong SONATU) làm Giám đốc.

Học theo cách làm của Tướng Guillaume Lapo, Médard Gouaye đã lạm dụng quyền lực để chỉ định Cty Interimex bao thầu công việc dọn dẹp, lau chùi các văn phòng cho SONATU. Mặc dù SONATU chỉ có 5 phòng, ban nhỏ bé, nhưng giá hợp đồng dịch vụ mà Interimex đưa ra và được ký duyệt ngay lên tới 850.000 FCFA (gần 1.700 USD) mỗi tháng.

Ngoài hợp đồng dịch vụ dọn dẹp, Interimex cũng được ưu ái ký thêm hợp đồng cung cấp mực máy in, máy photo và các văn phòng phẩm khác cho SONATU với giá từ 400 - 500 nghìn FCFA (khoảng 790 - 985 USD) mỗi tháng. Đó là chưa kể đến chi phí sửa chữa mỗi khi máy photo hay máy in bị hỏng. Chính vì lý do này, máy photo do Interimex cung cấp liên tục bị hỏng và SONATU liên tục phải bỏ chi phí ra để sửa chữa.

Nhanh nhạy không kém, Rock Bondji nhanh chóng chỉ định thầu phụ trách an ninh cho Cty CST, để rồi mỗi tháng, SONATU phải chi trả cho hợp đồng an ninh này 3,3 triệu FCFA (hơn 6.500 USD). Ngoài ra, CST cũng bao thầu luôn việc cung cấp các thiết bị thông tin cho SONATU.

Mặc dù mới đi vào hoạt động sản xuất, lại được hỗ trợ vốn từ khoản vay của Ấn Độ lên tới vài tỷ FCFA, thế nhưng, lấy lý do mở rộng sản xuất, kinh doanh, SONATU đã đi vay bảo lãnh các NH khoản vay trị giá 350 triệu FCFA (hơn 690 nghìn USD). Sau khi vay được tiền, cho đến nay, cũng không ai biết được số tiền đó đã được sử dụng như thế nào. Bởi lẽ, tất cả những khoản chi tiêu của SONATU đều không có giấy tờ thống kê lưu giữ mà chỉ thông qua những tấm séc. Điều kỳ lạ nữa là, những tấm séc này chỉ ký tên là MM, trong khi đó, chỉ có 2 người hợp pháp đại diện cho SONATU được NH chấp nhận chữ ký là Michel Koyt (Tổng Giám đốc SONATU) và Médard Gouaye (Giám đốc Tài chính). Chẳng lẽ, 2 quan chức cấp cao này của SONATU lại cùng ký tắt chữ cái đầu tiên của tên (chứ không phải họ) của mình trên cùng 1 tờ séc?

Tham nhũng bạc tỷ vẫn… chẳng sao!

Với tất cả những kiểu làm ăn như đã nói ở trên thì chẳng có gì ngạc nhiên khi chỉ sau một thời gian ngắn, Médard Gouaye, trên cương vị Giám đốc Tài chính của SONATU, đã thu về cho mình một gia tài kếch sù lên tới 200 triệu FCFA (hơn 394 nghìn USD), được gửi trong nhiều tài khoản ở thành phố Lomé (Thủ đô, miền Nam Togo). Đó là chưa kể những khoản thu nhập khác mà Médard Gouaye “kiếm chác” thông qua việc Cty Interimex ký kết các hợp đồng “kỷ lục về giá” với dự án SOCACIM (dự án được đích thân Tổng thống đến dự lễ khởi công xây dựng tại thành phố Sangbi, cách Thủ đô Bangui 11km về phía Nam). Ước tính, số tài sản của Gouaye hiện nay có thể lên tới cả tỷ FCFA (hàng triệu USD).

Điều này cho thấy, Médard Gouaye và các cộng sự đã rất linh hoạt trong làm ăn, biết “dựa” vào nhau mà sống khỏe. Tiền lương, tiền lãi từ hợp đồng (với mức lãi được coi là “siêu lợi nhuận”) cứ ùn ùn đổ vào túi khiến họ ngày càng trở nên giàu có hơn. Trong khi đó, những công nhân của họ thì chỉ nhận được mức lương bèo bọt và luôn trở thành “bia đỡ đạn” mỗi khi Cty có vấn đề.

Với những số tiền thù lao kỳ lạ, những giá trị hợp đồng “kinh điển” như vậy thì việc cảnh sát, viện kiểm sát không để ý tới mới là điều lạ. Những tấm séc ở trong hồ sơ lưu trữ của NH, những giao dịch luôn được hệ thống NH ghi chép đầy đủ từ ngày giờ cho đến số lượng giao dịch… Tất cả những chứng từ đó cũng đã được gửi đến những người được ủy quyền kiểm tra giám sát như: Alain Tolmon - Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao; Cảnh sát Trưởng Trung Phi Henri Yangué-Linguissara và Pierre Chrysostome Sambia - Giám đốc Quân lực (kiêm Thủ quỹ SONATU).

Với những chứng từ đó, chẳng cần nhờ đến một chuyên gia tài chính nào cũng dễ dàng phát hiện được những sai phạm trong chi tiêu tài chính của SONATU. Thế nhưng, quan trọng là, số tài liệu, chứng từ đó đang nằm trong tay những quan chức cấp cao trong ngành Tư pháp, nhưng đồng thời cũng là những “chiến hữu” của các quan chức cấp cao trong SONATU cũng như trong bộ máy chính quyền các cấp. Thế nên, chẳng có gì lạ, khi cáo buộc tham nhũng vẫn chỉ là những cáo buộc, còn những người trong cuộc thì vẫn… tự do.


Song Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm