Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trường ĐHSP được cấp bằng cao đẳng

Thứ hai, 28/04/2014 - 07:08

(Thanh tra) - Đó là một trong những nội dung quan trọng trong khung chương trình đào tạo mới của Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh HIển: "Một chương trình vừa đáp ứng được đào tạo đại học, vừa đáp ứng đào tạo cao đẳng, vừa bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên đang dạy ở phổ thông, thì chương trình này sẽ tốt hơn nhiều chương trình chỉ nhằm 1 chức năng". Ảnh: Hải Hà

Theo PGS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội: Chương trình đào tạo giáo viên mới của Trường ĐHSP Hà Nội sẽ gồm 2 nhóm: Nhóm ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp và phân hóa; Nhóm ngành đào tạo chuyên biệt (Quốc phòng an ninh, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật…). Điều đáng lưu ý ở 2 nhóm này là, sau khi hoàn thành các tín chỉ theo yêu cầu, sinh viên sẽ đạt chuẩn của giáo viên Trung học cơ sở và có thể được cấp bằng cao đẳng. Đây là điểm khác biệt lớn so với chương trình đào tạo hiện hành.

Tuy nhiên, quan điểm trên của Trường ĐHSP Hà Nội đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ các thầy, cô giáo của 7 trường ĐHSP trọng điểm trên cả nước.

PGS.TS Phạm Hồng Quang- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên bày tỏ thẳng thắn: Mục đích chính của các trường ĐHSP là đào tạo ra giáo viên dạy THPT, còn giáo viên dạy THCS thì để cho các trường cao đẳng họ làm.

Đồng quan điểm với PGS Quang, thầy Hùng- Trưởng Khoa Vật lý, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh phản đối đào tạo 2 giai đoạn để cấp bằng cao đẳng, vì mục tiêu cuối cùng là giáo viên phổ thông.

Thầy Lê Tự Hải- Trưởng Khoa Hóa, ĐHSP Đà Nẵng phân tích, đào tạo giáo viên trung học cơ sở phải có chương trình riêng, đi từ đầu đến cuối. Không thể đang một chương trình đi đến nửa đường dừng lại được.

Cùng với đó, trao quyền lựa chọn cho người học cũng gây hiệu ứng tâm lý không tốt đối với sinh viên. Nhiều em sẽ "cậy" rằng: Học không được thì dừng lại, xuống dạy trung học cơ sở.

Thầy Quốc Phong: Mục đích của các trường ĐHSP là đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông. Ảnh: Hải Hà

Thầy Quốc Phong- Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, ĐHSP Huế cho rằng, mục đích của các trường ĐHSP là đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông, vì vậy khi xây dựng chương trình phải có hình bóng, cấu trúc của chương trình phổ thông. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có chương trình sách giáo khoa, cấu trúc năng lực và chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông thì mới có thể tạo ra một mô hình đào tạo sư phạm.

"Như vậy, vấn đề cần đặt ra hiện nay đúng là "con gà có trước hay quả trứng có trước". Đề nghị, đề án đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm cần phải dài hơi hơn, phải có điểm nhìn vượt thời gian, phát hiện được xu hướng phát triển theo hướng phân hóa, tích hợp, đặt người học làm trung tâm”, thầy Phong nhấn mạnh.

PGS Lê Quang Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Đà Nẵng bày tỏ: "Tôi cũng không đồng ý trên con đường đào tạo giáo viên trung học phổ thông lại cắt khúc để cho ra giáo viên trung học cơ sở, bởi đây là 2 việc khác nhau, không thể chung được".

Theo thầy Sơn, muốn đào tạo giáo viên một số môn mới tích hợp ở trung học cơ sở thì cần phải xây dựng chương trình đào tạo mới. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì thời gian đào tạo sư phạm 4 năm là phù hợp. Tuy nhiên, đào tạo giáo viên phải có 3 khúc, khúc 1 là đào tạo ở trường đại học, khúc 2 là nhập nghề (thực tập ở các trường phổ thông) và khúc 3 bồi dưỡng thường xuyên.

"Trong chi tiết các môn học, năng lực của người giáo viên chưa nói đến các phẩm chất của nhà giáo như tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề... Chương trình phải bao hàm được các phẩm chất đó, bởi nó còn quan trọng học năng lực nghề nghiệp", thầy Sơn kiến nghị.

GS Đỗ Đức Thái: Nên tạo cửa cho sinh viên không may mắn hoặc không có điều kiện học lên đại học được ra trường làm giáo viên dạy trung học cơ sở. Ảnh: Hải Hà

Không đồng tình với quan điểm trên, GS Đỗ Đức Thái, Khoa Toán, ĐHSP Hà Nội cho rằng, chúng ta phải đào tạo cắt khúc để tạo ra 1 cái cửa cho sinh viên không may mắn hoặc không có điều kiện học lên đại học, được ra trường làm giáo viên dạy trung học cơ sở, không thể cứ ép buộc sinh viên phải học lên trong khi họ không có điều kiện.

Đồng tình với cách đặt vấn đề của GS Thái, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển bổ sung thêm: Các trường ĐHSP cấp bằng cao đẳng cho sinh viên không chỉ dành cho những đối tượng không may như thầy Thái nói, mà theo tôi, chương trình đào tạo sư phạm không nên chỉ phục vụ cho 1 chương trình phổ thông mà phải nhiều chương trình phổ thông. Chương trình càng linh hoạt càng tốt. Một chương trình vừa đáp ứng được đào tạo đại học, vừa đáp ứng đào tạo cao đẳng, vừa bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên đang dạy ở phổ thông thì chương trình này sẽ tốt hơn nhiều chương trình chỉ nhằm 1 chức năng.


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm