Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải thiết kế lại hệ thống giáo dục

Thứ hai, 14/04/2014 - 08:09

(Thanh tra) - Hiện nay, giáo dục nói chung, nhất là giáo dục nghề và giáo dục đại học không gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên hiệu quả kém, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc. Phải thiết kế lại hệ thống giáo dục Việt Nam ngay từ bây giờ.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Hải Hà

Đó là ý kiến của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại hội thảo “Tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam", do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tổ chức ngày 12/4.

Nguyên Phó Chủ tịch nước đặt câu hỏi: Làm thế nào để giáo dục đại học và giáo dục nghề gắn với đào tạo nguồn nhân lực? Theo bà Nguyễn Thị Bình, quan trọng nhất là phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng. Nhưng, hiện nay chiến lược này chưa rõ. Trong chiến lược ghi “mục tiêu đến năm 2020 xây dựng Việt Nam theo hướng hiện đại…”, nhưng hiện đại thế nào được khi giờ là năm 2014 mà nền công nghiệp nước ta đang ở mức trung bình. Thực trạng như vậy thì chỉ tiêu nào để đạt được mức hiện đại? Câu hỏi này đã được bà Nguyễn Thị Bình gửi tới nhiều lãnh đạo, nhưng đến giờ câu trả lời vẫn là đang bàn! Chiến lược giờ mới đang bàn thì không thể nói đến việc đào tạo nguồn nhân lực hợp lý, có chất lượng. Muốn làm được việc này rất cần sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… Chính phủ rồi Nhà nước cũng cần chung tay vào.

Trả lời về định hướng thiết kế lại hệ thống giáo dục Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ, bà đồng ý với việc phải phân luồng hệ thống giáo dục phổ thông và việc phân luồng này nên bắt đầu từ cấp THCS như Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đề xuất. Tức là sau khi học xong THCS, học sinh sẽ phân thành 2 luồng: Một là học tiếp lên THPT, hai là học trung học nghề theo tỷ lệ lần lượt là 50 % và 30%, 20%, còn lại sẽ tham gia vào thị trường lao động. Trong đó, Nhà nước phải ưu tiên học sinh học nghề bằng cách “bao” học phí. Những học sinh học THPT sẽ học tiếp lên đại học, ra trường làm kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo dục, doanh nhân… rồi có thể học lên sau đại học trở thành nhà khoa học, chuyên gia cao cấp. Đây là hướng nghiên cứu. Còn học sinh học trung học nghề, sau có thể học lên cao đẳng thực hành, làm kỹ thuật viên, cán sự, công nhân kỹ thuật… nếu muốn học lên, các em sẽ học đại học ứng dụng, rồi học lên sau đại học thành chuyên gia cao cấp. Đây là hướng ứng dụng - thực hành. Cách phân luồng này đã được Đài Loan, Hàn Quốc… áp dụng thành công.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cung cấp thêm thông tin, cách phân luồng này không mới. Cách đây 10 năm, khi bà còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến, tuy nhiên đến nay vẫn chưa làm được. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do công bố nguồn nhân lực chưa rõ ràng, cộng với chính sách đối với người lao động chưa công bằng. Người ngồi bàn giấy, trong điều hòa lương không thể cao hơn kỹ sư làm vất vả trong nhà máy hay ngoài công trường được. Vì vậy, giờ chúng ta phải làm quyết liệt.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Bình cũng chỉ ra, hiện nay cơ cấu đại học, cao đẳng của nước ta cũng chưa rõ. Các trường đại học cũng phải coi lại chi phí đào tạo, nếu chí phí quá thấp thì chất lượng không thể đòi hỏi cao được. Nói về vấn đề này, nguyên Phó Chủ tịch nước đưa ra ví dụ: Trường Đại học Tân Tạo chi phí đào tạo cho 1 sinh viên  trong 1 năm ước tính khoảng 3.000 USD, tức khoảng 60 triệu đồng, còn các trường của Việt Nam chỉ là 10 triệu đồng.

Từ hàng loạt những bất cập trên, nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị, cần phải thiết kế lại hệ thống giáo dục Việt Nam ngay lập tức và quyết liệt, thời gian không đợi để chúng ta chần chừ.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình yêu cầu, việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam, với mỗi trường đại học, cao đẳng, cần xác định rõ vị trí của từng loại trường, mục tiêu cụ thể, từ đó xây dựng chương trình đào tạo như thế nào, yêu cầu trường đó làm nhiệm vụ gì, chứ không đơn giản là phác họa hệ thống đại học chung chung.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm