Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đến với trẻ bằng tình yêu

Chủ nhật, 11/05/2014 - 07:42

(Thanh tra) - Giáo viên mầm non là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc, và hơn hết, đây là nghề làm bằng tình yêu. Đó là tâm sự của cô giáo trẻ Trần Ngọc Trang, giáo viên Trường Mầm non 1, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Cô giáo Trần Ngọc Trang: Giáo viên mầm non là nghề làm bằng tình yêu. Ảnh: Hải Hà

Ước mơ làm giáo viên mầm non từ 5 tuổi

Khi nói chuyện về cơ duyên đến với nghề giáo viên mầm non, cô Trang vui vẻ cho biết: Tôi ước mơ trở thành cô giáo mầm non từ khi mới 5 tuổi. Khi được chơi, được học với các bạn cùng lứa, tôi đã thấy rất thích và nhận thấy mình phù hợp với công việc này.

“Sau hơn 10 năm ấp ủ, khi làm hồ sơ thi đại học (năm 1999), tôi đã không ngần ngại đăng ký vào Khoa Giáo dục mầm non, Đại học Sư phạm Vinh. Ban đầu, bố mẹ và người thân không ủng hộ quyết định của tôi, vì vào thời điểm đó, chính sách với giáo dục mầm non chưa được quan tâm, cô giáo mầm non vất vả đi sớm về tối mà lương lại thấp. Lời khuyên từ gia đình tôi thấy rất đúng, nhưng với tình yêu trẻ và niềm tin tưởng mãnh liệt rằng sau này chính sách với giáo dục mầm non sẽ khác. Giữ vững niềm tin ấy, tôi quyết định theo đuổi ước mơ của mình”, cô Trang tâm sự.

Lương 220.000 đồng/tháng

Khi mới ra trường, cô Trang đầu quân về Trường Mầm non Thạch Bình (huyện Thạch Hà). Vui mừng vì xin được công việc yêu thích, cô giáo trẻ hăng hái lên đường. Những ngày đầu mới đặt chân về mảnh đất Thạch Bình, khó khăn chồng chất khó khăn, trường lớp không có nơi cố định, phải học nhờ nhà văn hóa xã, nhà văn hóa không đủ lớp học còn “di động” đến nhiều địa điểm khác nhau, có những nơi nhà tranh vách đất, mùa hè nắng nóng bỏng rát, mùa đông lạnh đến thấu xương. Trường lớp không kiên cố, trang thiết bị dạy học cũng không có, thậm chí những thứ tối thiểu như công trình vệ sinh, nguồn nước sạch cũng không…

Không chỉ gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống của giáo viên lúc đó cũng vô cùng thiếu thốn. “Mỗi tháng lương của cô giáo mầm non mới ra trường như tôi chỉ được 220.000 đồng, nhưng con số ít ỏi ấy không phải trả bằng tiền mặt mà quy ra thóc. Định kỳ cứ đến cuối vụ mùa, cô giáo lại ra sân hợp tác xã để nhận lúa thay tiền lương trong 1 năm đi dạy. Nhiều khi bạn bè hỏi tiền lương bao nhiêu, chỉ dám nói nhỏ 4 tháng được 1 triệu…”, cô Trang nhớ lại.

Đời sống khó khăn là vậy, nhưng cô giáo trẻ không nản lòng, cô vẫn đi đến từng hộ dân vận động phụ huynh cho con em đến lớp học.

Không bỏ... nghề 

Đứng trước vô vàn khó khăn, nhiều bạn trẻ đã quyết định bỏ nghề, chuyển sang làm kinh doanh, đi xuất khẩu lao động… Bạn bè cũng khuyên tôi nên thế, nhiều lúc trong lòng dao động, nhưng tôi lại lấy câu nói của Bác Hồ “Một nền giáo dục tốt phải bắt đầu từ giáo dục mầm non” để trấn an mình.

Cô giáo Trang tâm sự, lý do sâu xa khiến cô không bỏ nghề là do tình yêu với trẻ nhỏ. Nhìn lũ trẻ chân đất, đầu trần, quần áo mặc không đủ ẩm, cô nghĩ ai cũng bỏ nghề thì lấy đâu người dạy các em cái chữ. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi cô nhận ra được tình cảm các em dành cho mình. Những hôm cô giáo ốm, hay có việc đột xuất, mặc dù có người dạy thay, nhưng hôm sau cô đến lớp, các cháu vui mừng, hò reo. Những ánh mắt vui tươi, hồn nhiên của con trẻ đã tiếp thêm sức mạnh cho cô Trang theo đuổi nghề.

“Hiện nay đã về dạy tại 1 trường mầm non ở thành phố, nhưng những năm tháng mới vào nghề luôn là động lực thúc đẩy tôi tiếp tục nỗ lực. Sau 11 năm gắn bó với nghề, tôi biết rằng mình đang đi trên con đường đúng đắn nhất…”.

Cô giáo Trần Ngọc Trang là 1 trong 240 giáo viên dạy giỏi toàn quốc cấp học mầm non năm 2014. Với sáng tạo khoa học mang tên “Ngôi nhà khoa học đa năng”, cô Trang đã vinh dự đạt giải 3 cấp tỉnh Hà Tĩnh và gửi ra cấp Trung ương. Ngôi nhà đa năng với 3 cửa (1 cửa chính và 2 cửa sổ) giúp lớp học của cô Trang sẽ trở nên sinh động qua việc tổ chức nhiều hoạt động trong lớp học như kể chuyện bằng hình ảnh...

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm