Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đào tạo giáo viên: 135 hay 150 tín chỉ?

Thứ năm, 08/05/2014 - 07:00

(Thanh tra) - Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội vừa đưa ra khung chương trình đào tạo mới cho sinh viên sư phạm. Theo đó, trường đề xuất cần 150 tín chỉ để đào tạo giáo viên có năng lực giảng dạy tích hợp và phân hóa. Tuy nhiên, con số 150 tín chỉ đã "châm ngòi" cho cuộc khẩu chiến giữa 7 trường ĐHSP lớn trên cả nước .

Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Câu chuyện 135 hay 150 tín chỉ cần phải bàn bạc thêm... Ảnh: Hải Hà

Theo đại diện của hầu hết các trường ĐHSP, kéo dài tín chỉ không có nghĩa là chất lượng đào tạo tốt lên, nhất là khi cách dạy đã chuyển sang chú trọng phát triển năng lực của từng cá nhân. Hơn nữa, hiện bậc phổ thông đang thực hiện giảm tải, cớ gì lại không giảm tải cho sinh viên đại học? rồi còn câu chuyện kinh phí đào tạo số tín chỉ dư ra sẽ lấy từ đâu khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tổng số tín chỉ (không tính học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng - An ninh) cho chương trình giáo dục đại học từ 120 - 140 tín chỉ...

Từ những lập luận trên, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình đào tạo giáo viên dạy tích hợp và phân hóa chỉ 130 - 135 tín chỉ là vừa. 

PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên cho rằng: "Tiếp cận chương trình sư phạm không nên nhiều quá. Ngay cả một nước phát triển như Mỹ, sinh viên cũng chỉ phải học từ 120 tín chỉ, hay Nhật Bản là 125 tín chỉ, Hàn Quốc 126 tín chỉ. Tôi cho chỉ cần 130 tín chỉ tích lũy là vừa."

Đồng tình với quan điểm trên, PGS Hoàng Văn Cẩm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh đề nghị, càng ít tín chỉ càng tốt, đôi khi nhiều tín chỉ thì đào tạo càng “loãng”. Thay vào đó nên tăng thời gian thực tập cho sinh viên. "Chúng ta nên học tập mô hình đào tạo của Trường Đại học Y, buổi sáng sinh viên lên lớp, buổi chiều thực tập tại bệnh viện, như vậy sẽ tốt hơn."

GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán, Trường ĐHSP Hà Nội thẳng thắn: "135 tín chỉ đào tạo giáo viên như hiện nay là chấp nhận được. Nhưng tôi ủng hộ chỉ cần 130 tín chỉ. Đại học Harvard ngành nhiều nhất cũng chỉ cần 132 tín chỉ."

Không đồng tình với các quan điểm trên, PGS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, muốn đào tạo giáo viên có đủ năng lực giảng dạy tích hợp và phân hóa phải cần 150 tín chỉ. Lý giải cho luận điểm của mình, PGS Minh nói: "Nếu cân đối thời gian lao động cho 1 sinh viên trong 1 ngày thì 150 tín chỉ là vừa đủ, nếu vượt 150 là vi phạm Luật Lao động, còn thấp xuống 135 thì sinh viên sẽ mất nền tảng và không đủ kiến thức."

Chung quan điểm với PGS Minh, thầy Mai Sỹ Tuấn, Khoa Sinh ĐHSP Hà Nội bày tỏ: "Tôi đồng ý phải có 150 tín chỉ. Nếu làm o ép chương trình quá thì rất thiệt thòi cho sinh viên, dù có thay đổi cấu trúc đi nữa nếu không đủ lượng sẽ không chuyển được chất. Đặc biệt, với các môn tích hợp nhiệm vụ rất nặng nề nên việc tăng 150 tín chỉ là hoàn toàn hợp lý."

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, 135 hay 150 tín chỉ không quan trọng mà cái quan trọng chính là cấu trúc của chương trình. Đổi mới giáo dục phải hướng tới thay đổi cấu trúc, tổ chức kiến thức theo hướng hình thành năng lực người học. Và như vậy thì không phải phụ thuộc chương trình cần 135 hay 150 tín chỉ nữa.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Câu chuyện 135 hay 150 tín chỉ cần phải bàn bạc thêm. Tuy nhiên, cần phải xác định đào tạo sư phạm chỉ 4 năm, trong 4 năm đó cần tính toán như thế nào cho khoa học, số tín chỉ cho phù hợp. Trước mắt có thể đặt ra giới hạn cao nhất là 150 tín chỉ, rồi trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh ít hơn 145, 140 hay ít hơn nữa... “Điều quan trọng không phải số tín chỉ bao nhiêu mà là khi ra trường sinh viên có thể dạy được trung học cơ sở hay trung học phổ thông”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm