Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 27/04/2014 - 10:59
(Thanh tra) - Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội, tại hội thảo “Đổi mới mô hình đào tạo, chương trình đào tạo của các trường ĐHSP”, tổ chức ngày 26/4, tại Hà Nội.
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo. Ảnh: Hải Hà
Dự hội thảo có lãnh đạo, cán bộ của 7 trường ĐHSP trọng điểm trong cả nước.
Trình bày Đề án “Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên của Trường ĐHSP Hà Nội”, PGS.TS Nguyễn Văn Minh đặt vấn đề: Giáo dục phổ thông nước ta đã trải qua 3 cuộc cải cách giáo dục (1950, 1956 và 1979), tuy nhiên, chưa có cuộc đổi mới cơ bản nào trong đào tạo ở các trường đại học. Trường ĐHSP Hà Nội có sứ mạng và trọng trách đặc biệt trong việc chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Hiện mô hình đào tạo, chương trình, giáo trình của Trường ĐHSP Hà Nội đã được xây dựng, phát triển theo yêu cầu đào tạo của mỗi thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mô hình đào tạo, chương trình, giáo trình hiện hành còn nhiều hạn chế và đã bộc lộ nhiều bất cập trước những đòi hỏi của ngành Giáo dục, như: Chương trình đào tạo mang tính hàn lâm, giáo điều; hình thức kiểm tra, đánh giá chưa có sự thay đổi đáng kể… Vì vậy, cần phải đổi mới.
PGS Minh nhấn mạnh, quan điểm đổi mới chương trình đào tạo sư phạm hiện nay phải được xây dựng trên quan niệm mới về người giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đất nước. Mặt khác, chương trình mới được xây dựng tổng thể với tầm nhìn xuyên suốt cả quá trình và trong mỗi giai đoạn, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, có tính bền vững tương đối giữa nội dung chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông. “Chương trình đào tạo lại phải tinh giản, thiết thực và hiệu quả, hình thức thích hợp với từng đối tượng; ngành học phải có tính liên thông để sinh viên phát triển nghề nghiệp và chuyên môn trong tương lai”.
Từ những lập luận trên, PGS.TS Nguyễn Văn Minh đề xuất khung chương trình đào tạo mới của Trường ĐHSP Hà Nội theo 2 nhóm.
Nhóm 1: Nhóm ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp và phân hóa
Theo giải thích của PGS.TS Nguyễn Văn Minh, ở khung này, chương trình đào tạo gồm: Môn chung (Chủ nghĩa Mác Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại ngữ…), chuyên môn (theo ngành học tự nhiên, xã hội, tin - công nghệ) và nghiệp vụ. Sau khi học xong, sinh viên sẽ được thực tập tại các trường trung học cơ sở.
Điều đặc biệt cần lưu ý là, sau khi hoàn thành các học phần này (90 tín chỉ), sinh viên sẽ đạt chuẩn của giáo viên trung học cơ sở và có thể được cấp bằng cao đẳng. Đây là điểm khác biệt lớn so với chương trình đào tạo hiện hành.
Với sinh viên có nhu cầu học lên, sẽ tiếp tục đào tạo để họ có khả năng dạy học phân hóa theo chuyên môn của từng môn học ở THPT và đi thực tập. Hoàn thành các phần này (khoảng 60 tín chỉ) sinh viên sẽ đạt chuẩn giáo viên trung học phổ thông và cấp bằng đại học.
Như vậy, tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo nhóm ngành 1 là 150 tín chỉ
Nhóm 2: Nhóm ngành đào tạo chuyên biệt (Quốc phòng an ninh, Giáo dục thể chất…), tổng số tín chỉ được đào tạo tối thiểu là 135 tín chỉ.
Sau khi nghe báo cáo của PGS.TS Nguyễn Văn Minh, các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất 4 nội dung.
Thứ nhất, chương trình đào tạo sư phạm sẽ vẫn duy trì 4 năm, trọng tâm là đào tạo trình độ đại học.
Thứ hai, thiết kế chương trình đào tạo sẽ gồm 2 nhóm, đào tạo để dạy tích hợp và phân hóa và đào tạo chuyên ngành chuyên biệt.
Thứ ba, tỷ lệ tín chỉ đào tạo, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là 25%.
Thứ tư, bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm trước (có thể qua trực tuyến và mời chuyên gia nước ngoài tập huấn).
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn vì ở nhóm 1 với 150 tín chỉ là quá nặng. Ngoài ra, nếu các trường ĐHSP có thể cấp bằng cao đẳng thì số phận 63 trường cao đẳng sư phạm sẽ đi về đâu?
Tới dự và phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Các trường ĐHSP nên phối hợp với nhau để xây dựng chương trình đào tạo cơ bản giống nhau. Để làm tốt điều đó, các trường nên chung sức để làm chương trình, không nên phân tán lực lượng. Bộ đã có chủ trương khuyến khích thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường sư phạm để thống nhất chương trình này.
Trả lời thắc mắc về việc các trường ĐHSP có nên cấp bằng cao đẳng hay không? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Chương trình đào tạo sư phạm không nên chỉ phục vụ cho 1 chương trình phổ thông mà phải nhiều chương trình phổ thông. Chương trình càng linh hoạt càng tốt. Một chương trình vừa đáp ứng được đào tạo đại học vừa đáp ứng đào tạo cao đẳng, vừa bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên đang dạy ở phổ thông thì chương trình này sẽ tốt hơn nhiều chương trình chỉ nhằm 1 chức năng.
“Về số tín chỉ 130 hay 150 thì nên bàn kỹ. Chúng ta đã thống nhất đào tạo sư phạm chỉ 4 năm, vì vậy trong 4 năm đó cần tính toán khoa học số tín chỉ phù hợp, trước mắt cần đặt giới hạn cao nhất là 150 tín chỉ, rồi trong quá trình làm có thể điều chỉnh ít hơn 145, 140 hay ít hơn nữa”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý