Ngày 23/9/2016, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5301 về việc cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều xây dựng cải tạo ngõ 124 đường Âu Cơ. Theo văn bản này, quy mô, kết cấu là xây dựng đường nội bộ dài 509,34m; bề rộng mặt đường chính là 10,5m; bề rộng hè mỗi bên là 5m. Lắp đặt hệ thống cống thoát nước mưa dọc tuyến là D800, D1500; hệ thống rãnh nước thải dài 900m, chiều rộng rãnh từ 1,2  - 1,4m và sâu từ 0,7 - 1m. UBND TP yêu cầu Ban Quản lý D.A quận Tây Hồ thi công xây dựng, cải tạo tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ đúng quy định tại quyết định này. Tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật hiện hành của Nhà nước; tổ chức thi công, giám sát chặt chẽ đảm bảo an toàn đê điều, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường không ảnh hưởng đến các công trình liên quan trong khu vực.

Tuy nhiên, trong đơn tố cáo và hiện trạng thực tế thì Ban Quản lý D.A quận Tây Hồ đã thi công sai thiết kế rất nhiều hạng mục.

Tại hạng mục xây dựng vỉa hè mỗi bên phải là 5m chiều rộng, người dân đã đo ở rất nhiều vị trí, chỗ rộng nhất chỉ 4,5m, chỗ hẹp hơn chỉ khoảng 4,2m. Với diện tích thiếu hụt nhân với chiều dài 509m không phải giải phóng mặt bằng nhưng vẫn được tính trong dự toán thì số tiền sẽ không nhỏ vì 1m2 đất mặt ngõ 124 Âu Cơ được định giá đền bù là 21 triệu đồng.

Hạng mục xây dựng hệ thống rãnh nước thải dài 900m, chiều rộng từ 1,2  - 1,4m và sâu từ 0,7 - 1m, nhưng tại những điểm đã xây dựng, người dân đo được chỉ có chiều rộng khoảng 40cm và chiều sâu cũng chỉ khoảng 40cm.

Trong cuộc họp đối thoại với 12 hộ dân của Ban Đền bù giải phóng mặt bằng quận Tây Hồ vào ngày 8/11, người dân đã phản ánh thực trạng trên. Bởi thế, đến ngày 14/11, đơn vị thi công đã cho đào rãnh nước thải lên làm lại!

Cũng trong buổi đối thoại ngày 8/11, gia đình ông Lê Văn Ất cho biết, theo quyết định cưỡng chế, gia đình bị lấy 116m2 đất nhưng chỉ được xem xét đền bù 1 căn nhà chung cư có diện tích hơn 50m2. Gia đình có 9 nhân khẩu, 2 cặp vợ chồng, 4 cháu nhỏ và 1 người chưa lập gia đình. Thử hỏi, căn hộ chỉ có 2 phòng ngủ thì không biết sống kiểu gì? Trong khi đó, khu tái định cư thì chưa hoàn thiện đường vào cũng như điện nước đầy đủ. Gia đình đã nhiều lần có đơn gửi lên phường Tứ Liên và quận Tây Hồ nhưng chưa được giải quyết.

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp dân ngày 8/1/2016 do Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng chủ trì, một người dân đã nói: Chúng tôi rất đồng tình và hoan nghênh chủ trương mở rộng ngõ 124 nhưng phải trên cơ sở quy định của pháp luật. Nhà nước lấy đất của chúng tôi để mở đường thì phải bố trí nơi ăn chốn ở đàng hoàng cho người dân chúng tôi. Tại sao lại không mời các hộ dân đi xem khu nhà tái định cư mà chúng tôi sẽ nhận, tại sao lại để 1 hộ dân đại diện cho 27 hộ để bốc thăm những căn nhà tái định cư này?

“Quyết định 5301 đã nêu đây là đường ngõ nội bộ thì phải tuân thủ quy định xây dựng theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCVN 104: 2007) bởi nội dung quy hoạch tỷ lệ 1/2000 không có việc mở rộng ngõ 124 Âu Cơ lên 20,5m. Theo tiêu chuẩn thì ngõ 124 Âu Cơ là ngõ nội bộ nên việc mở rộng chỉ từ 13 - 17m”, một người dân bức xúc.

Trong đơn tố cáo do nhiều người dân ký còn nêu: Khi các sai phạm tiếp tục được thực thi do không có cán bộ chuyên ngành giám sát thì nguy hiểm cho cả hệ thống vì D.A nằm trong việc thoát lũ của đê quốc gia. Phải chăng, khi Văn bản 1672 ngày 26/10/2015 yêu cầu xử lý cán bộ, tổ chức đã vi phạm Luật Đê điều thi công khi chưa có phép mà không được kiểm tra đến nơi đến chốn đã dẫn đến việc coi thường pháp luật này? Đây có phải là thiếu tinh thần trách nhiệm, đang ăn bớt, rút ruột công trình để tham ô, biển thủ?

Người dân kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội cho kiểm tra toàn diện D.A này.

Nam Dũng