Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thông tư bị "treo" và hàng chục tỷ đồng tổn thất

Thứ tư, 02/04/2014 - 09:08

(Thanh tra)- Trong đơn gửi đến Báo Thanh tra, một số cán bộ thuộc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định, họ đang phải nhận án kỷ luật oan theo kiểu "thí tốt". Lãnh đạo của họ, người chịu trách nhiệm chính thì “mượn tay” một cuộc thanh tra đầy bất thường để cho mình được quyền vô can, được quyền cách chức cán bộ cấp dưới bằng văn bản trái luật nhằm che giấu những sai phạm về tài chính. Chuyện lình xình này bắt nguồn từ sự “chết yểu” của Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT!

Mua bán phân bón tại một cửa hàng trên đường Trần Phú, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định. Ảnh: Internet

Theo tính toán của chúng tôi, tính từ năm 2009 - 2012, Bộ NN&PTNT đã ban hành 15 thông tư về danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phân bón đang từng ngày đếm tổn thất và làm đơn gửi Bộ trưởng để kêu cứu về Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT (viết tắt là Thông tư 38), một văn bản được dầy công biên soạn nhưng bị đình chỉ vào đúng ngày… có hiệu lực.

Theo đề nghị của ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt tại Tờ trình số 1525 ngày 25/6/2013, danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam gồm 564 loại; danh mục các loại phân bón đã có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam nhưng có sự thay đổi về tên, đơn vị đăng ký do hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao gồm 193 loại và danh mục các loại phân bón tái đăng ký từ các danh mục phân bón đã quá hạn lưu hành tại khoản 2, Điều 8 Thông tư 36/2010/TT-BNNPTNT gồm 46 loại. 

Văn bản nêu rõ: “Để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu sản xuất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước, Cục Trồng trọt đề nghị Bộ trưởng xem xét quyết định ban hành Danh mục bổ sung các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam”.

Sau đó 1 tuần, ngày 2/7, ông Trần Xuân Định tiếp tục ký Tờ trình số 1602 nêu rõ Cục Trồng trọt đã tiến hành rà soát và tổng hợp danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, danh mục bổ sung phân bón được sản xuất, kinh doanh và sử dụng gồm 785 loại; danh mục các loại phân bón đã có trong danh mục nhưng có sự thay đổi về tên, đơn vị đăng ký do chuyển nhượng, chuyển giao là 193 loại. 

Sau nhiều Tờ trình của Cục Trồng trọt, ngày 9/8/2013, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ký ban hành Thông tư số 38 ban hành danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 23/9/2013.

Tuy nhiên, vào đúng ngày này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám ký Quyết định số 2158/QĐ-BNN-PC về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 38! Quyết định này căn cứ vào Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật; Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/1/2008 của Chính phủ qui định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT và đề nghị của Vụ trưởng vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Trồng trọt. 

Sau đó 1 ngày, ngày 24/9, tại Thông báo số 4388, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu dừng hiệu lực thi hành của Thông tư 38 và tiến hành thanh tra trình tự, thủ tục ban hành danh mục các loại phân bón tại Thông tư 38.

Ông Vũ Tuấn Linh, cán bộ Cục Trồng trọt, một trong những người đứng đơn cho biết: Từ năm 2008 trở về trước, danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam được Bộ NN&PTNT ban hành dưới hình thức quyết định (hoặc quyết định cá biệt đối với số lượng phân bón ít). Từ năm 2009, Bộ "chuẩn hóa" thể thức văn bản này bằng Thông tư. Tuy nhiên, qui trình xây dựng Thông tư về danh mục phân bón không giống như qui trình xây dựng Thông tư được qui định tại Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật mà về cơ bản vẫn phiên sang giống như xây dựng quyết định.

Căn cứ vào hồ sơ xin phép khảo nghiệm của doanh nghiệp, Cục Trồng trọt cấp giấy chứng nhận khảo nghiệm qui định rõ loại phân khảo nghiệm, loại đất và loại cây trồng cần khảo nghiệm, thời gian và đơn vị được phép khảo nghiệm. Cục Trồng trọt cũng cấp công văn cho phép sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm. Các đơn vị được cấp phép sẽ tiến hành khảo nghiệm trên đồng ruộng theo qui định tại Thông tư 52. Xong bước này, đơn vị sẽ có đơn xin đưa sản phẩm ra hội đồng khoa học để thẩm định. Cục Trồng trọt sẽ ký quyết định thành lập hội đồng khoa học công nghiệp để nghiệm thu các kết quả khảo nghiệm. Nếu kết quả được hội đồng khoa học công nhận, sau khi tuân thủ qui trình thủ tục, sản phẩm sẽ được Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định ban hành. Căn cứ trên các quyết định này, Phòng Sử dụng đất, phân bón làm Tờ trình, xây dựng dự thảo Thông tư và danh mục, gửi Phòng Pháp chế rà soát. Sau khi được hoàn chỉnh, Dự thảo Thông tư được gửi Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ rà soát kiểm tra lần cuối và trình Bộ trưởng ký ban hành.

Nhiều cán bộ trong ngành Nông nghiệp cũng phản ánh: Thông tư 38 là kết quả của một tập thể và sự tham gia của nhiều cục, vụ, đơn vị. Đúng như Tờ trình của lãnh đạo Cục Trồng trọt, Thông tư có ý nghĩa quan trọng khi đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu sản xuất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón. Do vậy, việc đình chỉ đột ngột hiệu lực của Thông tư vào đúng ngày có hiệu lực và các động thái tiếp theo của Bộ NN&PTNT là bất thường và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chi phí tổi thiểu để khảo nghiệm 1 sản phẩm phân bón khoảng 10 triệu đồng. Sau khi được hội đồng khoa học công nhận kết quả khảo nghiệm (bằng quyết định), doanh nghiệp sẽ tiến hành các bước cần thiết để sản xuất sản phẩm như: Thu mua nguyên vật liệu, in ấn bao bì, thăm dò thị trường... Khoản chi phí này ước tính tối thiểu cũng vào khoảng 10 triệu đồng/loại phân bón. Như vậy, với gần 800 loại phân bón được khảo nghiệm tại Thông tư 38, tổng chi phí tổn thất thực của doanh nghiệp là khoảng 16 tỷ đồng. Khoản tiền này được "treo" cùng Thông tư 38 từ tháng 9/2013 đến nay, bất chấp mùa vụ sản xuất của sản phẩm phân bón đã qua từ lâu! 

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, đã có gần 50 doanh nghiệp có đơn thư đề nghị, hỏi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xung quanh cú phanh đột ngột là dừng Thông tư 38.

Cùng với yêu cầu dừng Thông tư 38, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tiến hành thanh tra trình tự, thủ tục ban hành danh mục các loại phân bón tại Thông tư này. Chỉ đạo này khá quyết liệt và cần thiết. Bởi lẽ, Thông tư 38 là cửa sinh một mạch luồng về kinh tế khá lớn. Tuy nhiên, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã không được thực hiện nghiêm túc, đúng theo các qui định của pháp luật, nếu không nói là có quá nhiều dấu hiệu bất thường. 

Về việc kiểm tra, xử lý văn bản qui phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật, Điều 91 Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật nêu rõ: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của mình và của bộ, cơ quan ngang bộ về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái pháp luật thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tự mình bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế.

Đan Quế - Ban Mai

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.

Trung Hà

19:00 11/12/2024
Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.

Thùy Dương

08:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm