Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không chấp nhận giá đền bù, cả nhà rơi vào vòng lao lý

Chủ nhật, 06/10/2013 - 09:12

(Thanh tra) - Sau khi bị thu hồi gần 580m2 đất nông nghiệp tại thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi để mở đường vào Nhà máy chế biến tinh bột sắn BMC, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, tổ dân phố 4, thị trấn Plây Kần, không đồng ý giá bồi thường quá thấp của Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng huyện. Lúc cả gia đình đang cố gắng giữ căn nhà gỗ trước việc cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện, đã có 4/6 thành viên trong gia đình gồm bố, mẹ và 2 người em của Phượng rơi vào vòng lao lý.

Những giọt nước mắt của bà Phượng khi bố mẹ và 2 người em ruột rơi vào vòng lao lý

Bỗng dưng mất đất 2 mặt tiền...

Năm 2005, gia đình ông Nguyễn Văn Kiêm, tổ 4, thị trấn Plây Kần, mua của ông Xiêng Văn Tốt 468m2 đất (ngang 11m giáp mặt đường Hồ Chí Minh). Sau đó, ông Kiêm mua thêm của các hộ giáp ranh, nâng tổng diện tích lô đất lên gần 580m2 và được UBND huyện Ngọc Hồi cấp “sổ đỏ” đứng tên con gái lớn của ông Kiêm là Nguyễn Thị Phượng.

Ngày 29/5/2007, UBND huyện lập tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp ngay tại khu vực đất đã cấp “sổ đỏ” cho chị Phượng cùng một số hộ khác, với lý do xây dựng đường vào Nhà máy chế biến tinh bột sắn BMC, xã Đắk Nông. Ngày 10/7/2007, UBND tỉnh ra Quyết định 648/QĐ-UBND thu hồi 31.200m2 của 12 hộ dân nằm phía Đông đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông, trong đó có diện tích đất của chị Phượng. Ngày 06/12/2007, UBND huyện ra Quyết định 116/QĐ-UBND thu hồi đất của chị Phượng và lập phương án đền bù gồm nhà, đất, hoa màu có trên gần 580m2 với giá 81 triệu đồng và 5 triệu đồng tiền thưởng nếu bà Phượng tự nguyện di dời sớm. 

Theo chị Phượng: “Vì lô đất có vị trí gồm 2 mặt tiền đường Hồ Chí Minh và con đường vào Nhà máy chế biến tinh bột sắn BMC, nhưng Ban đền bù, giải phóng mặt bằng huyện áp giá bồi thường chỉ 150 ngàn đồng/m2 đất, bao gồm cả căn nhà gỗ mà gia đình bà dựng lên sinh sống, là không đúng theo quy định của Nhà nước và thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, nên không thể chấp nhận”.

Huyện cố tình báo cáo sai sự thật

Quá bức xúc, chị Phượng gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh nhờ can thiệp về quyền lợi chính đáng của mình. Ngày 06/8/2008 và ngày 22/9/2008, UBND tỉnh có văn bản đề nghị UBND huyện Ngọc Hồi khẩn trương xem xét đơn khiếu nại của bà Phượng, tiến hành giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, không để công dân khiếu nại vượt cấp... Và báo cáo kết quả giải quyết về UBND tỉnh để theo dõi. Ngày 29/9/2008, UBND huyện có báo cáo cho rằng: Sau hơn 45 ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi mà chị Phượng không khiếu nại gì. Đồng thời, UBND huyện khẳng định, nội dung giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Kon Tum? Chỉ một ngày sau khi lập báo cáo, UBND huyện lại thành lập Hội đồng cưỡng chế để thực hiện cưỡng chế theo Quyết định 751/QĐ-UBND của UBND huyện Ngọc Hồi? Việc làm này hoàn toàn đi ngược lại nội dung báo cáo với UBND tỉnh, đặt gia đình chị Phượng vào tình huống đường cùng, không biết bấu víu vào đâu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Vào vòng lao lý…

Quá bức xúc với mức giá đền bù không thoả đáng mà đã ra lệnh cưỡng chế, gia đình chị Phượng gồm ông Nguyễn Văn Kiêm, bà Lê Thị Loan (mẹ Phượng) cùng hai người em là Nguyễn Văn Phong và Nguyễn Thị Huyền đã ngăn cản không cho lực lượng cưỡng chế tháo dỡ ngôi nhà của chị Phượng (Phượng đang đi học tại TP. Kon Tum). Ngay trong buổi cưỡng chế, bà Loan và Phong vì chống đối nên bị Công an huyện bắt tạm giam 9 ngày vì hành vi “chống người thi hành công vụ”. Hơn 1 tuần sau, Cơ quan điều tra, Công an huyện ra quyết định khởi tố ông Kiêm, bà Loan, Phong và Huyền, cùng với tội danh “chống người thi hành công vụ”. Đến ngày 09/10/2008, Viện KSND huyện ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với bà Loan và cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Ngày 10/10/2008, khi vừa đến Công an huyện theo giấy mời, ông Kiêm bị tống đạt quyết định tạm giam 3 tháng với tội danh “chống người thi hành công vụ”. 3 ngày sau, Huyền cũng bị tống đạt quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Trên thực tế con đường trải nhựa rộng 8m vào Nhà máy chế biến tinh bột sắn BMC đã được làm xong từ trước ngày cưỡng chế, nhưng UBND huyện Ngọc Hồi lấy lý do “mở đường vào nhà máy chế biến tinh bột sắn BMC” để xin chủ trương của UBND tỉnh thu hồi đất của dân là không đúng thực tế, không đúng sự thật. Hệ lụy do phản ứng trước quyền lợi chính đáng của mình bị tước đoạt, cả gia đình ông Kiêm bị bắt tù tội không đáng có!

Mới đây, ông Đinh Thanh Dậu, tổ 6, thị trấn Plei Kần, đã bức xúc viết đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng phản ánh việc UBND huyện Ngọc Hồi có hành vi gian dối với cấp trên trong việc “xin chủ trương...”, rồi ngang nhiên thu hồi đất, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của dân, mà trường hợp của gia đình chị Phượng là một điển hình.

Ngọc Luận

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.

Ngọc Tuấn

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm