Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhóm PV
Thứ tư, 11/06/2025 - 21:35
(Thanh tra) - Sau loạt bài điều tra của Báo Thanh tra về thực trạng “mập mờ” trong thị trường chứng nhận “nhãn xanh”, đặc biệt trong ngành sơn, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chính thức có phản hồi. Theo đó, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia khẳng định không cấp bất kỳ chứng nhận nào có tên “Chỉ số Nhãn xanh Toàn Cầu 2025 – Green Label Global Index” như một số doanh nghiệp vẫn đang quảng bá.
Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia không cấp Chứng nhận “Chỉ số Nhãn xanh Toàn Cầu 2025 - Green Label Global Index”
Theo đó, phản hồi Báo Thanh tra, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) cho biết, thời gian qua, Ủy ban chưa nhận được nội dung phản ánh trực tiếp từ người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm sơn. Tuy nhiên, Ủy ban chia sẻ, sản phẩm sơn khi lưu hành trên thị trường phải đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2020/BCT của Bộ Công Thương về giới hạn hàm lượng chì trong sơn. Căn cứ các quy định của pháp luật cho thấy, việc quản lý chất lượng sản phẩm sơn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Còn về Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp Châu Á, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trực thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam. Trung tâm này được thành lập theo Quyết định số 19- 2018/QĐ-TWH ngày 23/4/2018 của Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam.
Cũng theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ chỉ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ (Giấy chứng nhận) số A-1912 cho Trung tâm này. Theo đó, căn cứ Giấy chứng nhận đã cấp, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp Châu Á đăng ký hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sau:
- Nghiên cứu thăm dò thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam, tại các nước khu vực Đông Nam Á, Châu Á và các nước khác trên thế giới; nghiên cứu, trao đổi thông tin về giá trị văn hóa vùng, miền của sản phẩm, hàng hóa trong khu vực ASEAN và Châu Á; nghiên cứu thị trường về quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu và hội nhập quốc tế của các doanh nhân, doanh nghiệp; nghiên cứu 2 các vấn đề kinh tế, tài chính và đầu tư nhằm mục đích hỗ trợ, tư vấn phục vụ các doanh nghiệp trong và ngoài nước;
- Dịch vụ KH&CN: Thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, biên soạn các ấn phẩm quảng cáo và đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn trong các lĩnh vực nghiên cứu nêu trên;
- Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm;
Như vậy có thể thấy, nội dung giấy chứng nhận và thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ đều không nói tới thẩm quyền Cấp giấy chứng nhận về môi trường hay chứng nhận “Chỉ số Nhãn xanh Toàn cầu”. Do vậy, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp Châu Á chỉ được thực hiện các hoạt động phù hợp với lĩnh vực theo Giấy chứng nhận do Bộ đã cấp.
Không có giá trị pháp lý, nhưng lại được dùng để quảng bá đại trà
Luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty Luật Fanci) khẳng định: chứng nhận “Chỉ số Nhãn xanh Toàn Cầu” do Trung tâm này phát hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có giá trị tương đương với các nhãn sinh thái do Nhà nước ban hành như Nhãn Xanh Việt Nam, và càng không thể thay thế các tiêu chuẩn bắt buộc như QCVN 08:2020/BCT về hàm lượng chì trong sơn.
Luật sư Nguyễn Đại Hải – Công ty Luật Fanci, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Điều đáng nói là chứng nhận này lại đang được một số doanh nghiệp – điển hình là hãng sơn Galosi – sử dụng như một bằng chứng pháp lý để quảng bá: “Sơn công nghệ xanh”, “Thân thiện môi trường”, “Được chứng nhận chỉ số nhãn xanh toàn cầu”. Các logo, biểu tượng được in trên bao bì, biển hiệu, website, và thậm chí nhân viên bán hàng còn tư vấn: “Sơn đã được cơ quan nhà nước cấp chứng nhận”.
Đây không đơn thuần là hành vi “tư vấn quá đà” mà là dấu hiệu rõ ràng của quảng cáo sai sự thật. Theo Luật sư Hải, hành vi này vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo, và có thể bị xử phạt hành chính từ 60–80 triệu đồng (theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP). Trường hợp doanh nghiệp tái phạm, không loại trừ khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Quảng cáo gian dối” hoặc “Lừa dối khách hàng”.
Đã đến lúc không thể “quản lý bằng sự im lặng”
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao một loại chứng nhận không có cơ sở pháp lý lại có thể tồn tại và lan truyền rộng đến vậy? Câu trả lời nằm ở chỗ: nhiều tổ chức tự gắn mác “quốc tế”, “xanh toàn cầu”, “giải thưởng uy tín”… nhưng thực chất chỉ là các đơn vị tư nhân, không chịu sự điều phối của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
Ngay cả website từng quảng bá cho các “chứng nhận xanh” này như brand-asia.com cũng đã gỡ bỏ bài viết. Nhiều doanh nghiệp từng sử dụng cũng đã âm thầm thu hồi hình ảnh và nội dung. Tuy nhiên, vẫn còn những cái tên tiếp tục khai thác “vùng xám pháp lý” này để tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh những doanh nghiệp, tổ chức đã gỡ bỏ các quảng cáo, thông tin liên quan, thì hãng sơn Galosi vẫn đang tồn tại nhiều bài viết quảng cáo đạt chứng nhận “Chỉ số Nhãn Xanh Toàn Cầu – Global Green Label Index”. Theo đó, dựa trên việc chứng nhận cấp bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp Châu Á, nhiều bài viết giới thiệu hãng sơn Galosi khẳng định: “SƠN GALOSI – SƠN CÔNG NGHỆ XANH”, “Galosi đã đạt danh hiệu Chỉ Số Nhãn Xanh Toàn Cầu”, “Sản phẩm đạt danh hiệu Chỉ Số Nhãn Xanh Toàn Cầu cấp cho các doanh nghiệp có sản phẩm/dịch vụ kinh doanh thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe con người”,…
Doanh nghiệp sử dụng chứng nhận và logo “Chỉ số Nhãn Xanh Toàn Cầu – Global Green Label Index” để quảng cáo “Sơn công nghệ xanh”
Theo Luật sư Hải, bất kỳ tổ chức nào thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp (bao gồm chứng nhận nhãn sinh thái) đều phải đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành, ví dụ: Cục Môi trường. Việc tự ý chứng nhận khi chưa được cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật.
Bài toán đặt ra cho cơ quan chức năng lúc này không chỉ là xử lý các vi phạm cụ thể, mà phải xem xét điều chỉnh chính sách: Cần bổ sung hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các hình thức nhãn môi trường ngoài Nhà nước, đồng thời siết chặt điều kiện hoạt động của các tổ chức “cấp chứng nhận” không đủ tư cách pháp lý.
Vì nếu quản lý trong im lặng, những vi phạm “có tổ chức” sẽ tiếp tục được nhân rộng, gây rối loạn thị trường và xâm hại quyền lợi người tiêu dùng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau loạt bài điều tra của Báo Thanh tra về thực trạng “mập mờ” trong thị trường chứng nhận “nhãn xanh”, đặc biệt trong ngành sơn, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chính thức có phản hồi. Theo đó, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia khẳng định không cấp bất kỳ chứng nhận nào có tên “Chỉ số Nhãn xanh Toàn Cầu 2025 – Green Label Global Index” như một số doanh nghiệp vẫn đang quảng bá.
Nhóm PV
(Thanh tra) - Hàng loạt thương hiệu sơn âm thầm gỡ bỏ chứng nhận “Chỉ số Nhãn Xanh Toàn Cầu – Global Green Label Index”. Một tín hiệu không thể xem nhẹ về sự rạn vỡ của một mô hình chứng nhận tư nhân mập mờ, vốn từng được quảng bá như bảo chứng xanh hóa cho sản phẩm.
Nhóm PV
Minh Tân
Nhóm PV
Nhóm PV
Nhóm PV
Thái Hải
Lâm Ánh
Lan Anh
Trần Kiên
Trần Kiên
Thu Huyền
Hải Hà
Trung Hà
Thái Hải
Phúc Anh