Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ sáu, 12/05/2023 - 06:36
(Thanh tra) - Đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế, là thành tố đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP, đồng thời đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, kích thích tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Trong bài tham luận tại hội thảo đề tài khoa học cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức, ông Lương Văn Kết, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư công, Bộ KH&ĐT luôn chú trọng tham mưu cho Chính phủ cải cách thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Hàng năm, báo cáo tổng kết công tác của ngành Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước đều đưa ra các con số kiến nghị khổng lồ về thu hồi, giảm trừ, xử lý kinh tế và chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, là minh chứng rõ ràng nhất về nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công.
Theo ông Kết, trong quá trình thực hiện đầu tư công, điều kiện tiên quyết để quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án là phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt. Quy định này nhằm đảm bảo các chương trình, dự án đầu tư công được thực hiện một cách đồng bộ, có hệ thống, theo đúng tầm nhìn, đồng thời tạo ra khung khổ để kiểm soát quyền lực của người có thẩm quyền.
“Nếu không có quy định này thì việc quyết định dự án có thể trở nên lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, đặc biệt là mỗi khi có sự thay đổi về người có thẩm quyền phê duyệt dự án”, ông Kết nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư là nhằm hạn chế sự lạm quyền, tránh tập trung quyền lực ở các cơ quan cấp cao với định hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương không làm thay địa phương.
Trước đây, quyền lực tập trung ở các cơ quan Trung ương có thể dẫn đến xung đột lợi ích khi các cơ quan này vừa có vai trò tham mưu chính sách, lại vừa là đơn vị thực thi và thụ hưởng chính sách. Việc kiểm soát quyền lực đối với các chủ thể này thường phức tạp và khó khăn vì khối lượng công việc đồ sộ, nhiều khâu mang tính chất định tính trong khi ít chịu sự giám sát do bản thân chủ thể là các cơ quan cấp cao.
Do đó, việc tăng cường phân cấp, phân quyền giúp bộ máy hành chính hoạt động trơn tru hơn thông qua phân bổ lại hợp lý nguồn lực, đồng thời góp phần nâng cao tính minh bạch, hạn chế rủi ro, tiêu cực và phòng, chống tham nhũng.
Bố trí vốn đầu tư công phải theo thứ tự ưu tiên
Pháp luật về đầu tư công cũng quy định nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công cho chương trình, dự án. Ông Kết cho rằng, công tác phân bổ vốn cho các chương trình, dự án đôi lúc mang tính chủ quan, thiếu minh bạch. Quá trình lựa chọn bố trí hay không bố trí vốn, bố trí vốn nhiều hay ít đối với từng chương trình, dự án khó có thể lượng hóa chính xác và phụ thuộc nhiều vào ý chí của cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó dễ nảy sinh tham nhũng.
“Trên thực tế, đầu tư dàn trải đã trở thành căn bệnh trầm kha trong lĩnh vực đầu tư công. Một số bộ, ngành, địa phương, dù còn nợ đọng xây dựng cơ bản, giải ngân kế hoạch đầu tư công chậm nhưng vẫn tiếp tục khởi công mới dự án. Có thể nói, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả kéo dài nhiều năm chính là biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực”, ông Kết nói.
Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Đầu tư công quy định trong từng ngành, lĩnh vực, việc bố trí vốn phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên, bao gồm: Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án khởi công mới.
Đồng thời, quy định chỉ được khởi công mới dự án sau khi đã bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT, các quy định về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch là phương thức hữu hiệu để kiểm soát quyền lực của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, đảm bảo nguồn vốn được phân bổ hợp lý và tối ưu. Các nguyên tắc mang tính bắt buộc thực hiện, ưu tiên điều hướng nguồn lực ngân sách tập trung cho các dự án hoàn thành để phát huy sớm hiệu quả, cho các dự án ODA để đảm bảo cam kết quốc tế và kiểm soát nghĩa vụ vay nợ, cho các dự án theo phương thức đối tác công tư để thu hút nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Do đó, cấp có thẩm quyền không thể tùy tiện khởi công mới dự án, cũng như không thể cố tình tăng cường bố trí vốn cho một số dự án cụ thể nào đó vì động cơ không trong sáng.
Đặc biệt, pháp luật về đầu tư công quy định nguyên tắc quản lý đầu tư công phải đảm bảo công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch vừa giúp công tác giám sát lẫn nhau trở nên dễ dàng hơn, vừa góp phần giảm thiểu các phương thức, biện pháp có thể dùng để trục lợi, thu lợi bất chính trong thực hiện chương trình, dự án đầu tư công.
Tất cả các nội dung trọng yếu trong lĩnh vực đầu tư công đều được pháp luật về đầu tư công quy định phải công khai, minh bạch, bao gồm: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư;…
“Dù cho có nhiều tầng, nấc kiểm tra, giám sát, nhưng nếu thiếu sự công khai, minh bạch thì sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm soát quyền lực. Rủi ro về nguy cơ tham nhũng, tiêu cực tăng lên khi cấp dưới có thể dễ dàng bưng bít yếu kém, sai sót với cấp trên, cơ quan Nhà nước có thể che giấu nhiều thông tin, tài liệu với nhân dân. Do đó, công khai, minh bạch là điều kiện tiên quyết để việc kiểm soát quyền lực trong hệ thống được thực hiện đầy đủ, có hiệu quả” - ông Kết nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.
Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Hải Hà
22:38 12/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý