Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiểm soát quyền hành pháp thông qua giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính

Hoàng Nam

Thứ năm, 27/04/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Nhận định việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính là những phương thức không thể thiếu để kiểm soát việc thực thi quyền hành pháp, TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng, thông qua việc khiếu kiện hành chính, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa ra kết luận về tính hợp pháp, hợp lý của các quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trên bình diện rộng, việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính là những phương thức không thể thiếu để kiểm soát việc thực thi quyền hành pháp. Ảnh: Hoàng Nam

Còn bao che, dung túng trong giải quyết khiếu nại hành chính

TS Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, hiện nay, cơ sở pháp lý chủ yếu để giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính hiện nay là Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

So với trước đây, thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại đã có tiến bộ đáng kể. Quy định thủ tục hành chính không còn là giai đoạn “tiền tố tụng”, điều đó mở rộng cơ hội khởi kiện, cho phép công dân khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án trong bất kỳ giai đoạn nào.

Bên cạnh đó, các thủ tục giải quyết khiếu nại cũng đơn giản, hiệu quả hơn; tính công khai, minh bạch trong giải quyết khiếu nại hành chính được tăng cường; tạo điều kiện để huy động sự tham gia của những người có chuyên môn sâu là các chuyên gia, những người có trình độ chuyên môn cao hoặc các nhà quản lý trong giải quyết khiếu nại hành chính bằng việc cho phép người giải quyết khiếu nại lần hai có quyền “tham khảo ý kiến của hội đồng tư vấn khi xét thấy cần thiết”.

Mặc dù có những điểm tiến bộ, nhưng thủ tục hành chính bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại hành chính của công dân vẫn còn những hạn chế, như: Thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính chưa khắc phục được tình trạng thiếu khách quan của người có thẩm quyền giải quyết; việc khiếu nại hành chính hiện nay do thủ trưởng cơ quan hành chính giải quyết trên cơ sở tham mưu của cơ quan chuyên môn hoặc cơ quan thanh tra. Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, dễ dẫn đến việc giải quyết vụ việc thiếu khách quan, thậm chí có sự bao che, dung túng trong giải quyết khiếu nại hành chính.

Thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính chưa gắn với thủ tục tiếp công dân và xử lý đơn, chưa cụ thể hóa việc giải quyết khiếu nại hành chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thời hạn giải quyết khiếu nại không phù hợp.

Bên cạnh đó, việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại hành chính có hiệu lực pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều trường hợp khiếu nại chính đáng của người dân đã được cấp có trách nhiệm giải quyết và ra quyết định đúng pháp luật, nhưng không được cơ quan hành chính Nhà nước thi hành hoặc đùn đẩy, kéo dài.

Mặt khác, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 đánh dấu một bước thay đổi lớn trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, đó là đã mở rộng thẩm quyền của tòa án trong giải quyết các vụ án hành chính bằng việc quy định các loại quyết định hành chính, hành vi hành chính được khởi kiện ra tòa án vừa theo phương pháp liệt kê, vừa theo phương pháp loại trừ.

Nhìn từ phương diện thực hiện việc kiểm soát đối với việc thực thi quyền hành pháp, thì cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính hiện hành vẫn có một số hạn chế: Hệ thống tòa án được tổ chức theo lãnh thổ nên sự độc lập trong giải quyết các vụ án hành chính không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

Trong thi hành các bản án, quyết định của tòa án, thì người được thi hành án có quyền yêu cầu người thi hành án thi hành bản án, nếu người phải thi hành án không thi hành thì có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc. Nhìn chung, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể đôn đốc và thông báo bằng văn bản đến cơ quan cấp trên của người phải thi hành án để chỉ đạo. Như vậy, biện pháp cưỡng chế chưa đủ mạnh để thi hành bản án, quyết định của tòa án.

Cần có cơ chế phán quyết về tính đúng, sai đối với các quyết định hành chính

Để bảo đảm kiểm soát việc thực thi quyền hành pháp, TS Nguyễn Tuấn Khanh đề xuất một số biện pháp, kiến nghị.

Có cơ chế để xem xét, kết luận, phán quyết về tính đúng, sai đối với các quyết định hành chính cá biệt, bao gồm cả đối với quyết định hành chính có chứa quy phạm.

Nghiên cứu để có thể mở rộng phạm vi giải quyết khiếu nại và khiếu kiện hành chính đối với một số loại quyết định hành chính có chứa quy phạm.

Thành lập tài phán hành chính trong một số lĩnh vực.

Thay đổi phương thức giải quyết khiếu nại và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa giải quyết khiếu nại và giải quyết khiếu kiện hành chính; thống nhất xác định rằng thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính chỉ là thủ tục xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Thủ tục hành chính cần được thiết lập đơn giản hơn, có thể được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Tăng cường giải quyết bằng thủ tục tố tụng, coi đó là “lá chắn cuối cùng” để bảo đảm quyền khiếu nại của các chủ thể.

Bổ sung, quy định rõ về quyền khiếu nại, khởi kiện và trình tự giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan, tổ chức khác khi thực thi quyền hành pháp (đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan khác của Nhà nước…).

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Luật Khiếu nại không nên quy định các thời hạn thụ lý, thời hạn giải quyết dài như hiện nay, mà cần phải rút gọn lại để bảo đảm thực hiện quyền khởi kiện của các chủ thể. Bên cạnh đó, cần phân loại các khiếu nại hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực khác nhau để xác định thời hạn thụ lý và giải quyết phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng lĩnh vực. Ví dụ, để phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường thì thời hạn giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường... phải được quy định ngắn hơn so với thời hạn giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực đất đai…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm