Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện lạ ở Sở Y tế Hà Tĩnh: Một phòng 4 người nhưng có 2 phó trưởng phòng

Lê Hữu Chính

Thứ bảy, 14/12/2024 - 14:40

(Thanh tra) - Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kết luận thanh tra số 30/KL-Ttra về việc thanh tra tại Sở Y tế và một số đơn vị trực thuộc. Trong đó phát hiện một số tồn tại ở Sở Y tế.

CDC - đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Tĩnh. Ảnh: CDC

Vấn đề tồn tại ở các lãnh đạo cấp phòng

Theo bố trí trên biên chế quỹ tiền lương, hiện Sở Y tế có 4 phòng có số biên chế 4 người (Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Nghiệp vụ Y, Phòng Nghiệp vụ Dược). Trên tổng số 3 biên chế còn thiếu so với số giao, sẽ còn ít nhất 1 phòng chưa đảm bảo điều kiện thành lập theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP (yêu cầu bố trí tối thiểu 5 biên chế công chức).

Đặc biệt, Phòng Nghiệp vụ Y biên chế hiện có 4 người nhưng có 2 phó trưởng phòng. Điều này trái với quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 107/2020/NĐ-CP: “Phòng có dưới 7 biên chế công chức được bố trí 1 phó trưởng phòng”.

Liên quan đến những tồn tại về lãnh đạo cấp phòng, thanh tra đã chỉ rõ các tồn tại trong luân chuyển, điều động công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Kế hoạch luân chuyển, điều động các năm 2021, 2022, 2023 chưa rà soát công chức, viên chức lãnh đạo quản lý tương đương lãnh đạo cấp phòng tại các đơn vị trực thuộc để thực hiện điều động, luân chuyển; tại Báo cáo số 4191/SYT-TCCB ngày 2/11/2021 gửi Sở Nội vụ không có đối tượng là cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp. Việc thực hiện kế hoạch luân chuyển, điều động đạt thấp: Năm 2022 không thực hiện; năm 2023: Thực hiện được 1/3 người theo kế hoạch. Đáng nói hơn, năm 2021: Sở có 7 trưởng, phó phòng đến thời hạn phải chuyển đổi, trong đó có 2 công chức giữ vị trí công tác trên 10 năm (bà Trần Thị Hà: 15 năm; ông Lê Quang Phong: 10 năm 7 tháng); 5 người giữ vị trí công tác từ 5 năm đến dưới 8 năm: Ông Nguyễn Xuân Thanh (5 năm 9 tháng), ông Nguyễn Đình Dũng (7 năm 10 tháng), bà Lê Thị Cẩm Thạch (5 năm 11 tháng), ông Phan Minh Toàn (5 năm 10 tháng), ông Nguyễn Đại Chiến (6 năm 9 tháng).

Năm 2022 (số 2429/KH-SYT ngày 22/7/2022), có 4/7 công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc cơ quan Sở Y tế được rà soát trong năm 2021 được đưa vào kế hoạch thực hiện chuyển đổi trong năm 2022 (bà Trần Thị Hà, ông Phan Minh Toàn, ông Nguyễn Đình Dũng, ông Lê Quang Phong). Qua rà soát, trước tháng 2/2023, Sở có 6 công chức lãnh đạo quản lý cấp phòng quá thời hạn luân chuyển, điều động (bao gồm 2 người được Sở Y tế đưa vào kế hoạch) nhưng Sở chưa thực hiện điều động, luân chuyển. Đến thời điểm thanh tra, có 4 công chức lãnh đạo quản lý cấp phòng quá thời hạn luân chuyển, điều động. Trong đó, bà Trần Thị Hà giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính 18 năm (bổ nhiệm năm 2006) và giữ chức danh kế toán trưởng 9 năm nhưng chưa thực hiện việc điều động, luân chuyển.

Thu phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở của Sở Y tế. Ảnh: SYT

Nâng lương và phụ cấp không đúng quy định

Trong thời kỳ thanh tra, Sở Y tế đã thực hiện việc nâng lương cho công chức, viên chức theo thẩm quyền cơ bản đảm bảo quy định (trong đó có 675 lượt nâng lương trước thời hạn); thực hiện chuyển xếp lương cho 395 viên chức hưởng lương trung cấp lên lương trình độ cao đẳng (lương A0) theo quy định, chi trả các chế độ theo chính sách của tỉnh đối với các bác sĩ, dược sĩ đại học làm việc tại cơ quan Sở Y tế.

Tuy nhiên, Sở Y tế ban hành quyết định nâng lương chưa đúng thẩm quyền đối với đối tượng là người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp thuộc diện quản lý của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và của UBND tỉnh.

Sở Y tế đã cụ thể hóa quy định về chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm tại Văn bản số 54/SYT-TCCB-KHTH ngày 13/1/2016 về việc hướng dẫn các chế độ phụ cấp (hiện vẫn đang áp dụng). Tuy nhiên, một số đối tượng hưởng phụ cấp (như: Viên chức hành chính tại bệnh viện, một số viên chức hưởng mức phụ cấp 0,2...) không được quy định tại Văn bản 6680/CV-BYT ngày 22/8/2005 của Bộ Y tế về việc hưởng chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm.

Một số vấn đề liên quan vị trí việc làm

Ngoài việc chậm nộp, đề án vị trí việc làm của Sở Y tế cũng tồn tại nhiều vấn đề được Thanh tra chỉ rõ. Cụ thể: Vị trí việc làm của Sở Y tế trong thời kỳ thanh tra được thực hiện theo các quyết định sau: Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 8/3/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt vị trí việc làm, khung năng lực từng vị trí việc làm Sở Y tế và các chi cục trực thuộc Sở Y tế; Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 5/4/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch của Sở Y tế. Theo đó, cơ cấu ngạch hiện nay như sau: Chuyên viên chính và tương đương 40%; chuyên viên và tương đương đương 60%.

Cơ cấu ngạch công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý hiện có tại Sở Y tế thời điểm 1/1/2024 như sau: Công chức ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: 1 người (1 chuyên viên chính 01.002), chiếm tỷ lệ 6,3%; chuyên viên hoặc tương đương: 15 người (11 chuyên viên, 2 thanh tra viên, 1 kế toán viên), chiếm tỷ lệ 93,7%.

Như vậy, cơ cấu ngạch công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý hiện có tại Sở Y tế chưa trùng khớp với tỷ lệ được phê duyệt tại Quyết định số 863/QĐ- UBND ngày 5/4/2024.

Đối với đơn vị sự nghiệp (kiểm tra tại Sở Y tế): Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh có một số tồn tại, hạn chế trong tổ chức bộ máy và vị trí việc làm nằm trong tổng thể trách nhiệm quản lý và điều hành chung của Sở Y tế: Có 19 viên chức giữ các chức danh nghề nghiệp không phù hợp vị trí việc làm; số lượng viên chức là kế toán (bao gồm cả lãnh đạo quản lý) hiện có là 9 người, không phù hợp so với tình hình hoạt động hiện tại của đơn vị; hiện có 3 khoa, phòng đang bố trí chưa đủ biên chế (chưa đủ 7 người theo quy định).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm