Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Tiền kiểm" và "hậu kiểm" khi xây dựng văn bản pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ năm, 27/04/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Để ban hành và tồn tại của một văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), thì việc tuân thủ nghiêm, đầy đủ quy định về "tiền kiểm" và "hậu kiểm" sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phát hiện dấu hiệu tiêu cực có thể được tranh thủ "lồng ghép", "cài cắm" vào văn bản, dự thảo văn bản, qua đó đóng góp quan trọng vào quá trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Tiền kiểm" và "hậu kiểm" góp phần phòng, chống tham nhũng trong văn bản pháp luật. Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

“Tiền kiểm”, “hậu kiểm” phát hiện nhiều văn bản thiếu tính minh bạch

Theo TS Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có một số hoạt động “tiền kiểm”, “hậu kiểm” văn bản QPPL nhằm phòng, chống tham nhũng. Thông qua hoạt động này, Bộ Tư pháp đã phát hiện các quy định chưa đúng thẩm quyền, nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật hiện hành, đặc biệt là những quy định thiếu tính minh bạch có thể dẫn đến nguy cơ "lợi ích nhóm", tham nhũng trong quá trình thi hành văn bản.

Giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 28.704 văn bản (gồm 3.672 văn bản cấp bộ và 25.032 văn bản cấp tỉnh). Trên cơ sở số văn bản đã được phát hiện và kiến nghị xử lý, cơ quan ban hành văn bản đã thực hiện xử lý với tỷ lệ cao (chiếm tỷ lệ 97,05%).

Ông Huy cho rằng, việc nhận diện các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong văn bản này cần được thực hiện bởi những người có trình độ, kinh nghiệm, hiểu biết sâu các lĩnh vực pháp luật có liên quan, hiểu biết các quy định về “tiền kiểm”, “hậu kiểm” văn bản QPPL, những hậu quả, rủi ro khi văn bản vi phạm các quy định pháp luật về nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục… xây dựng, ban hành văn bản QPPL; đồng thời, có khả năng nhận diện chính xác những nội dung “tiềm ẩn” tham nhũng trong văn bản, dự thảo văn bản QPPL.

Do đó, việc xác định dấu hiệu tham nhũng “cài cắm” trong văn bản, dự thảo văn bản QPPL cần thận trọng và được đánh giá trên cơ sở động cơ, mục đích và hậu quả việc thực hiện các biểu hiện nêu trên, tránh tình trạng “đánh đồng” tất cả các trường hợp dẫn đến tâm lý hoang mang, thiếu tích cực khi xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật để tránh rủi ro phát sinh.

Xử lý trách nhiệm khi ban hành văn bản trái pháp luật

Phải thừa nhận văn bản QPPL thuộc đối tượng “tiền kiểm”, “hậu kiểm” đa dạng về thể loại, lĩnh vực, phức tạp về nội dung chuyên môn… Do đó, việc phát hiện những biểu hiện, dấu hiệu có thể “cài cắm” tiêu cực, tham nhũng luôn là thách thức không nhỏ đối với người, cơ quan thực hiện hoạt động "tiền kiểm", "hậu kiểm" văn bản QPPL.

Nguyên nhân là vấn đề lồng ghép “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong văn bản QPPL chưa được nhận diện cụ thể, chi tiết, toàn diện trong các văn bản của Đảng, trong khi pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về tiêu chí, nội dung biểu hiện “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong văn bản QPPL.

Quá trình “tiền kiểm”, “hậu kiểm” văn bản cũng chưa có cơ sở, giải pháp để khẳng định các nội dung “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong văn bản QPPL làm cơ sở để đề xuất hình thức xử lý người đã ban hành văn bản trái pháp luật.

Thực tế cho thấy, kết quả của hoạt động “tiền kiểm”, “hậu kiểm” văn bản thời gian qua đã giúp phát hiện, ngăn chặn không ít quy định bất hợp hiến, bất hợp pháp, vi phạm quyền con người, quyền công dân, góp phần phát hiện, xử lý những biểu hiện của việc lồng ghép, cài cắm “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong văn bản QPPL và góp phần tháo dỡ rào cản đầu tư kinh doanh do các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương dựng lên trái thẩm quyền.

Để “tiền kiểm”, “hậu kiểm” văn bản QPPL thực sự là công cụ hữu hiệu nhằm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật, theo ông Huy, cần được thực hiện các biện pháp toàn diện, đồng bộ, xuyên suốt quá trình hình thành và ra đời một văn bản QPPL, bởi hành vi này có thể được "ẩn giấu" kỹ lưỡng, kín đáo và có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức làm công tác “tiền kiểm”, “hậu kiểm” về biểu hiện, tác hại của "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, không để bị lợi dụng, tác động nhằm “cài cắm”, làm sai lệch nội dung văn bản QPPL; phát hiện và có ý kiến đối với những quy định có nguy cơ phát sinh "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật sau khi đã phát hiện, kết luận.

Nghiên cứu, hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ chế kiểm soát tiêu cực, tham nhũng trong xây dựng pháp luật; về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan đã tham mưu, trình, ban hành văn bản trái pháp luật, không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do áp dụng văn bản trái pháp luật gây ra.

Hình thành các bộ công cụ, tiêu chí liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành văn bản được sử dụng trong quá trình xem xét, đánh giá văn bản ở khâu “tiền kiểm”, “hậu kiểm” văn bản nhằm dễ dàng phát hiện và lượng hóa hành vi này trong thực tiễn.

Bên cạnh việc tăng cường kinh phí, cần quan tâm củng cố tổ chức (cấp bộ, cấp sở), tăng cường biên chế, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra văn bản (ngạch, bậc; chế độ đặc thù); tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thẩm định, kiểm tra văn bản… nâng cao kỹ năng, trình độ, kinh nghiệm… của người trực tiếp làm công tác tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách tại các cơ quan.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm