Theo dõi Báo Thanh tra trên
Lê Phương
Thứ ba, 19/05/2020 - 21:42
(Thanh tra) - Trước thông tin liên quan việc một số dự án (DA) điện mặt trời (ĐMT), lúc đầu được giao cho các nhà đầu tư Việt Nam, sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, sở hữu, quản lý vận hành, Bộ Công thương cho rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành Điện. Ảnh: MK
Pháp luật cho phép chuyển nhượng
Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết, tính đến hết ngày 11/5/2020, có 92 DA hoặc một phần DA ĐMT và 10 DA hoặc một phần DA điện gió, với tổng công suất gần 6.000 MW, đã vận hành thương mại. Một số DA điện gió, ĐMT đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ DA dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê Út...
Cũng theo ông Dũng, quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng DA cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng DA đầu tư thuộc ngành, nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng DA, thay đổi cổ đông... do Sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô DA.
Thông thường, đối với các DA điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các DA điện khí đang đề nghị đầu tư, thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai DA. Tuy nhiên, hiện nay, các DA ĐMT, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ.
Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ, là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các DA điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.
Giá bán hấp dẫn chuẩn hơn giá cao
Liên quan đến việc giá bán ĐMT của Việt Nam quá cao, ông Dũng cho biết, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chỉ đầu tư khi các DA mang lại hiệu quả, lợi ích cho họ, vì vậy, giá điện phải được thiết kế để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư thì mới hy vọng thu hút được đầu tư.
Giá bán điện cố định của các DA ĐMT (FIT) vừa qua nếu nói là hấp dẫn sẽ chuẩn xác hơn giá cao. Vào năm 2016, Việt Nam bắt đầu xây dựng cơ chế giá FIT, đến năm 2017, giá FIT (9,35cent/kWh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017. Vào thời điểm đó, giá FIT 9,35cent/kWh là hợp lý.
Tuy nhiên, sau 1 năm, do những biến động của thị trường năng lượng ĐMT, giá FIT trở nên hấp dẫn hơn và đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, do lường trước được xu thế phát triển của ĐMT, nên Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 cũng đã đưa ra thời hạn giá FIT chỉ có hiệu lực tới hết ngày 30/6/2019. Sau thời gian này, giá FIT đã giảm từ 9,35cent/kWh xuống chỉ còn 7,09cent/kWh (đối với các DA ĐMT mặt đất).
Việc các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua các nhà đầu tư trong nước, để tham gia các DA đầu tư là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện. Các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển DA để tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển DA như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, Trung ương.
Các nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp trong nước, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục... tốt hơn nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy... Kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho DA và cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng thường tham gia vào DA quy mô công suất lớn hoặc gom nhiều DA quy mô công suất nhỏ. Điều này cũng giúp giảm chi phí vận hành chung cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn trước đây, khi thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, để thúc đẩy phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, thông qua chính sách FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000MW điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành phát điện, đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
Việc phát triển các DA điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về ĐMT; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút được lượng lớn vốn xã hội đầu tư vào hạ tầng ngành điện.
Tuy nhiên, cơ chế FIT lại có một số hạn chế như các DA tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, gia tăng cạnh tranh về đất đai; giá điện FIT khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường, nên thường dẫn tới sự phát triển “nóng” ngoài mong muốn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (14/12).
Trần Quý
14:00 14/12/2024(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền