Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải mã hiện tượng thịt lợn luộc bị chuyển sang màu đỏ lạ

Thứ hai, 07/04/2014 - 11:18

(Thanh tra) - Ngày 7/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh vừa thông báo kết quả về thông tin thịt lợn luộc chín “tự nhiên chuyển sang màu đỏ lạ” sau khi bảo quản trong tủ lạnh.

Những ngày gần đây, ở TP Hà Tĩnh xuất hiện thông tin trên mạng về “thịt lợn luộc chín tự nhiên chuyển sang màu đỏ lạ sau khi bỏ tủ lạnh”, gây nghi ngại và hoang mang trong dư luận.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh cử cán bộ xuống tận nơi xác minh thông tin, lấy mẫu và gửi mẫu ra Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm và thử nghiệm, nhằm cung cấp thông tin chi tiết về “hiện tượng lạ” này cho cộng đồng.

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã tiến hành cấy, phân lập, thử đặc tính sinh hóa, giải trình tự gien, tìm thấy vi khuẩn Serratia marcescens thuộc chi Serratia, họ  Enterobacteriaceae, trong mẫu thịt lợn luộc được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh gửi ra. Sắc tố gây ra mầu đỏ tươi là Prodigiosin. Kết quả thử nghiệm khả năng của các chủng phân lập được trên thịt nạc và sườn luộc để ở nhiệt độ 25 độ C và nhiệt độ phòng (17 - 28 độ C) đều có kết quả tương tự như thông tin phản ánh (khuẩn lạc có màu đỏ, thịt biến thành mầu đỏ tươi). Ở nhiệt độ 37 độ C, khuẩn lạc mọc nhanh nhưng không có mầu đỏ tương tự.

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia kết luận, thủ phạm gây ra hiện tượng “thịt lợn luộc chín tự nhiên chuyển sang màu đỏ lạ sau khi bỏ tủ lạnh” ở TP Hà Tĩnh là do bị ô nhiễm vi khuẩn Serratia marcescens ở môi trường nhiệt độ 17 - 28 độ C.

Vi khuẩn Serratia marcescens là một trực khuẩn Gram âm, kị khí tùy nghi và khá phổ biến trong môi trường đất, nước, rác thải, chất thải và phân của người bệnh. Vi khuẩn có khả năng gây nên bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và áp xe não, viêm nội tâm mạc, viêm khớp, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng mắt, nhiễm trùng vết thương và nhiễm khuẩn bệnh viện. Đường lây truyền và gây bệnh cho người qua không khí, nước, thực phẩm ô nhiễm và dụng cụ điều trị, chất thải của người bệnh.

Để phòng, chống vi khuẩn ô nhiễm cho thực phẩm và gây bệnh cho người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm theo đúng quy định, vệ sinh cá nhân, thực hiện ăn chín, uống sôi. Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và cảnh báo chính thức cho cộng đồng.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm