Kiểm tra 9 lễ hội trọng điểm

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh diễn ra hơn 300 lễ hội lớn nhỏ. Sau Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm diễn ra các lễ hội. Để lễ hội đi vào nề nếp, Đội Kiểm tra liên ngành 814 tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Kỷ Hợi - 2019.

Ông Nguyễn Đức Trọng - Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bắc Ninh cho biết: Từ tháng 2 đến hết tháng 5/2019, Đội Kiểm tra liên ngành 814 tỉnh sẽ kiểm tra tại một số lễ hội có tính ảnh hưởng vùng trên địa bàn tỉnh. Đó là: Lễ hội chùa Phật Tích, lễ hội Lim, hội đền Đô, lễ hội đền Cổ Mễ, lễ hội thôn Ném Thượng, lễ hội Diềm, lễ hội chùa Bút Tháp, Kinh Dương Vương, chùa Dâu.

Ông Trọng nhấn mạnh nội dung kiểm tra là các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa tại lễ hội, như: Băng, đĩa hình không tem nhãn; sách, văn hóa phẩm ngoài luồng; quảng cáo, tờ rơi; các trò chơi mang tính cờ bạc; các hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan; việc tổ chức văn nghệ, hát Quan họ tại một số lễ hội nhằm chấn chỉnh việc ngửa nón nhận tiền của du khách…

Ngoài ra, việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lễ hội của các địa phương cũng như công tác quản lý di tích, việc bảo vệ di tích gắn với phát huy giá trị của di tích trong hoạt động lễ hội cũng được các đoàn kiểm tra chú trọng.

Từ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra 2 lễ hội lớn thu hút đông đảo du khách thập phương về dự là lễ Chém lợn (làng Ném Thượng, TP Bắc Ninh) và lễ hội chùa Phật Tích (Tiên Du).

Qua kiểm tra, ông Trọng cho biết: Các lễ hội đã thành lập Ban tổ chức, xây dựng kế hoạch tổ chức trên cơ sở quy định của Nhà nước, của tỉnh và hướng dẫn của ngành VH-TT&DL. Đặc biệt, những tồn tại ở lễ hội năm trước đã được tiếp thu và cơ bản dần được khắc phục ở mùa lễ hội năm nay.

Tại lễ hội khu phố Thượng, sau khi thực hiện lễ rước theo nghi thức truyền thống, không tổ chức chém lợn công khai mà thực hiện việc mổ lợn trong nhà bạt (nhà kín) để làm cỗ Ngọc tế Thánh. Hiện tượng dùng tiền polymer nhúng vào máu lợn để mong cầu may không còn.

Tuy nhiên, tại lễ hội chùa Phật Tích vẫn còn hiện tượng bày nhiều khay, đĩa đặt tiền giọt dầu nơi thờ tự; chưa thu gom kịp thời tiền giọt dầu trên các khay, đĩa.

Nhiều hiện tượng tiêu cực, hủ tục... không còn

Nói về lễ hội năm 2019, ông Nguyễn Xuân Trung - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Ninh nhận xét: Công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm nay có sự chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế ở mùa lễ hội trước đã giảm, hoạt động lễ hội đi vào nề nếp.

Việc quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm, các khu dịch vụ ăn uống, quầy hàng văn hóa phẩm được đưa ra ngoài khu di tích, công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, các địa điểm trông giữ xe của khách được bố trí tại nhiều nơi, thuận tiện cho du khách hành hương.

Thông tin đáng mừng là việc bày bán băng đĩa không tem nhãn, tài liệu sách, văn hóa phẩm ngoài luồng, tuyên truyền mê tín dị đoan, các hiện tượng cờ bạc trá hình, lưu động như cua cá, xóc đĩa, ba cây, ăn xin, trộm cắp đã được giải quyết triệt để.

Đối với lễ hội lớn như hội Lim diễn ra trong 3 ngày 15, 16, 17/2 (tức ngày 11, 12, 13/1 Âm lịch), bà Nguyễn Thị Hào - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội Lim cho biết, công tác chuẩn bị cũng đã sẵn sàng với nhiều hoạt động phong phú. Tập trung và nổi bật nhất là các hoạt động giao lưu, hát đối đáp Quan họ giữa các liền anh, liền chị với du khách.

Văn nghệ quần chúng cũng rất sôi động, với 12 điểm hát Quan họ dưới thuyền, 6 lán hát Quan họ, 1 sân khấu chính trên đồi Lim, 11 điểm hát Quan họ theo lề lối truyền thống tại các gia đình nghệ nhân và nhà chứa Quan họ ở các thôn Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông, Bái Uyên.

Tại một lễ hội nổi tiếng khác của Bắc Ninh là lễ hội Bà Chúa Kho, năm nay cũng có nhiều chuyển biến tích cực, không gian lễ hội là sân đền được mở rộng... Đặc biệt, Ban Tổ chức lễ hội đã chủ động bố trí một số cụ bà giúp khách làm lễ không thu phí. Vì vậy, bước đầu đã chấm dứt được việc cúng thuê, khấn mướn. Tình trạng ăn xin, ăn mày, đổi tiền lẻ cơ bản được giải quyết.

Khẳng định, những hạn chế ở các mùa lễ hội trước đã giảm, tuy nhiên, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cũng thừa nhận, việc tổ chức lễ hội ở một số nơi vẫn còn tồn tại tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn cho khách, lấn chiếm không gian di tích mở hàng quán. Việc đốt vàng mã đã giảm nhiều, xong vẫn cần phải tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn...

Hải Hà