Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần có tầm chiến lược cho du lịch di sản Việt Nam

Thứ năm, 22/09/2011 - 00:10

(Thanh tra)- Năm Du lịch quốc gia 2012 gắn với Festival Huế 2012 là sự kiện văn hóa có tầm quốc gia, mang tính quốc tế. Chọn chủ đề cho Năm Du lịch quốc gia 2012 là Du lịch di sản không chỉ đưa di sản vào phát triển du lịch, mà còn nhằm thu hút cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản.

Việt Nam có nhiều thế mạnh trở thành điểm đến của quốc tế, với 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới, nhưng để phát triển du lịch xứng với các giá trị được thế giới công nhận lại đang hết sức manh mún. Các di sản đủ sức trở thành khu du lịch lớn, nhưng thực tế, có nơi mới chỉ là điểm du lịch nhỏ lẻ, do chưa có quy hoạch phát triển thành quần thể du lịch. Vì vậy, các “Tuần văn hóa du lịch”, các Festival, thậm chí các địa điểm, các tỉnh được chọn tổ chức năm du lịch chưa thu hút được sự hào hứng của du khách vì không có gì đặc sắc. Tiếp đến, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đang bị biến dạng và mai một dần. Ví như các phong tục Tây Bắc đang ngày càng bị thương mại hóa. Bởi, chính cư dân bản địa cũng không lưu giữ mà thích ăn vận như người Kinh, hay các chợ tình, lễ hội của người dân tộc lại do chính người Kinh thực hiện để kiếm lãi… đã đánh mất bản sắc vùng miền khiến du khách không còn hứng thú.

Hoặc, ngay như Hà Nội, với hơn 5.000 di tích, chiếm đến 40% di tích cả nước, trong đó có 3 di sản UNESCO, nhưng không kiếm nổi một tour du lịch di sản bài bản nào. Sự lãng phí di sản đã khiến du lịch Việt Nam khó cạnh tranh với các nước Đông Nam Á chứ chưa cần phải đem so với các quốc gia khác. Trong khi, các quốc gia luôn biết gắn du lịch di sản thiên nhiên - di sản vật thể với di sản phi vật thể, còn Việt Nam lại chưa gắn kết được di sản với văn hóa biểu diễn truyền thống, vì thế yếu tố đặc sắc không được tôn lên.

Điều đáng nói là, hoạt động du lịch không gắn với công tác bảo tồn, trong khi bảo tồn là điều sống còn của các di tích, cho thấy vấn đề quản lý Nhà nước ở các khu vực di sản còn nhiều lúng túng. TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Mô hình tổ chức cũng như chức năng của các cơ quan quản lý du lịch ở các di sản rất khác nhau, mỗi nơi làm một kiểu, tính đồng bộ nhất quán không có, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động du lịch di sản. Không có chính sách hợp lý, nên hiệu quả trong huy động cộng đồng tham gia bảo tồn, khai thác tài nguyên du lịch yếu, khiến các di sản thế giới ở Việt Nam đứng trước thách thức: Môi trường du lịch xuống cấp, giá trị bị suy giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát huy di sản để phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương…”. Với quy mô tổ chức của Năm Du lịch 2012, ngoài Huế là trung tâm diễn ra năm “Du lịch di sản”, chương trình còn trải dài toàn vùng duyên hải Bắc Trung bộ đang mở ra hướng gắn kết phát triển mạnh mẽ, liền mạch cho tuyến du lịch vốn nổi tiếng là “Con đường di sản thế giới” ở miền Trung, gồm 8 tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Theo đó, các sản phẩm kết nối tuyến các kinh đô cổ Việt Nam, kết nối điểm du lịch các tỉnh trong khu vực Trung bộ và kết nối các điểm đến trong nước và khu vực có lượng khách quốc tế lớn sẽ được ưu tiên tập trung đầu tư, khai thác. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Các sản phẩm du lịch xây dựng và khai thác trong Năm Du lịch quốc gia 2012 phải vừa độc đáo, đặc sắc, có chất lượng cao và khai thác tốt thế mạnh của mỗi địa phương, kết hợp hài hòa, tránh trùng lặp do phát triển tự phát hoặc tình trạng mạnh ai nấy làm, vốn đã tồn tại từ nhiều năm nay”. Tiếp đến, các tỉnh Duyên hải Bắc Trung bộ phải liên kết, hợp tác để xây dựng các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc tăng cường khai thác các thị trường khách quốc tế gần (đến từ các nước ASEAN, Đông Bắc Á), các thị trường khách truyền thống (Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Bắc Âu), đến các thị trường tiềm năng cũng sẽ được đầu tư để có những sản phẩm du lịch phù hợp. Việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia cũng sẽ phát huy lợi thế đặc biệt của các địa phương trong kết nối du lịch với các quốc gia láng giềng trong khu vực, xây dựng sản phẩm du lịch liên quốc gia trên con đường xuyên Á, và hơn hết, công tác quảng bá phải được chú trọng hơn bao giờ hết.

Mai Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm