Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Buôn Đôn sẽ vắng bóng voi nhà

Thứ năm, 12/04/2012 - 14:36

(Thanh tra) - Các tiết mục đua voi, trình diễn và xiếc voi được tổ chức hàng năm trong khuôn khổ Lễ hội Buôn Đôn, Đắk Lắk hàng năm, luôn được đông đảo du khách thích thú. Song, mối quan tâm lớn nhất của các nhà nghiên cứu hiện nay là, liệu trong vòng 10 - 15 năm nữa tại các dịp lễ hội kỳ thú này, có còn sự xuất hiện của các chú voi?

Những chú voi già cỗi này chỉ tồn tại chừng 15 năm nữa thôi

Đua voi - một nét văn hoá đặc trưng!

Già làng Y Thư, Buôn Giá kể rằng: “Đua voi xuất hiện từ từ thập niên 50 của thế kỷ trước, thời vua Bảo Đại. Sau do chiến tranh, hội đua voi không diễn ra thường xuyên mà lâu lâu mới được tổ chức một lần”. Sau ngày giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, lễ hội đua voi nói riêng, và lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên nói chung được duy trì thường xuyên, quy mô tổ chức ngày càng lớn và rộng khắp hơn.

Theo thông lệ, lễ hội đua voi thường diễn ra vào tháng 3 hàng năm. Đây là tháng đẹp nhất trong năm ở Tây Nguyên. Cây cối đâm chồi nảy lộc, các loài hoa đua nhau khoe sắc, người dân bước vào một mùa vụ mới với những hy vọng bội thu hơn nhiều. Vì vậy, những lễ hội được đồng bào Tây Nguyên tổ chức vào dịp này như một lời cảm ơn trời đất, cảm ơn Giàng sẽ cho một cuộc sống ấm no.

Trước khi hội đua voi diễn ra khoảng 1 tuần, người quản tượng cho voi vào rừng ăn uống no nê, giúp voi sung mãn trong cuộc đua. Đường đua voi thường là một bãi đất trống bên dòng sông Sê-Rê-Pốk có chiều dài 200 - 300m, rộng 30 - 40m, đủ cho 3 - 5 con voi cùng chạy một lượt. Cũng có thể là các khu đất trống gần nhà văn hóa cộng đồng của buôn làng, đường đua rộng khoảng 200m, đủ cho khoảng 15 con voi chạy cùng lúc. Vài năm gần đây, đua voi còn được tổ chức dưới nước, địa điểm được chọn là bãi rộng ven sông Sê-Rê-Pôk. Các chú voi được xếp thành hàng, sau hiệu lệnh của già làng, voi sẽ bơi một vòng từ bờ này sang bờ bên kia nhận lá cờ và quay trở lại vị trí xuất phát. Chú voi nào cầm được lá cờ quay trở lại nhanh nhất sẽ thắng cuộc.

Lễ hội đua voi hấp dẫn là vậy, lôi cuốn người dân và du khách là vậy, và chuyện gì sẽ xảy ra nếu một mai sự kỳ thú ấy sẽ không còn trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ…

Nỗi lo đàn voi bị tuyệt chủng

Những năm gần đây, số lượng voi nhà ở Tây Nguyên và Đắk Lắk suy giảm nghiêm trọng. Toàn tỉnh hiện còn khoảng 50 con voi nhà, tập trung chủ yếu ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Lắk. Số voi này hầu hết đã lên đến 40, 45 tuổi. Với tuổi thọ trung bình của voi là 60 năm trong điều kiện được chăm sóc tốt, thì sau khoảng 15 năm sẽ không còn nữa đàn voi nhà. Thực trạng này khiến cho người nuôi voi hết sức lo lắng. “Bây giờ toàn là voi già hết, voi con thì không có, các cấp chính quyền ở trên không cho săn bắt voi rừng thì voi nhà mình sau này nó già và chết hết!”, ông Y Răng (Buôn Đôn) băn khoăn như vậy!

5 năm qua, đàn voi nhà ít ỏi của Đắk Lắk bị chết hơn 10 con vì già yếu. Số lượng đàn voi nhà suy giảm, nghề voi cũng theo đó mà mai một. Huyện Buôn Đôn, nơi tập trung nghệ nhân săn bắt và thuần dưỡng voi nhiều nhất, hiện nay cũng chỉ còn khoảng 30 người, nhưng đều đã bước qua tuổi 60. Đáng buồn hơn, những người này không còn sở hữu voi, và việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ cũng không được duy trì do lệnh cấm săn. Như vậy, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng khó tồn tại.

Nghịch lý về kinh tế hiện nay cũng là nguyên nhân làm suy tàn nghề voi ở Đắk Lắk. Thu nhập do một con voi mang lại cho chủ hiện chỉ khoảng 20 triệu đồng mỗi năm, bằng 1/3 so với thu nhập từ 1 ha trồng cà phê. Đa số chủ voi ở các buôn, làng là hộ nghèo, nên thu nhập từ việc nuôi voi không đủ để họ trang trải cuộc sống gia đình. Do vậy, nhiều người đã nghẹn ngào bán voi. Trong số gần 50 con voi nhà hiện nay, có đến hơn một nửa thuộc về các công ty, doanh nghiệp dịch vụ du lịch, mà hầu như họ không hiểu nhiều về voi. Với thực trạng này, chẳng bao lâu nữa, người bản địa sẽ không còn sở hữu con voi nào. Và, nền văn hóa đặc sắc về voi Tây Nguyên cũng như những ngày hội đua voi khó lòng mà duy trì.

Đó cũng là lý do các nhà khoa học đã gấp rút thành lập dự án nhằm bảo tồn đàn voi. PGS.TS. Bảo Huy, người phụ trách chính việc lập Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk nói: “Đúng ra chúng ta phải thành lập một dự án bảo tồn voi từ năm 1985 - 1990. Lúc đó đàn voi nhà cũng như voi rừng còn khá nhiều. Nhưng rất tiếc, quan điểm nhận thức xã hội rất chủ quan khi nghĩ rằng, việc tồn tại voi nhà là tất nhiên của Đắk Lắk. Bây giờ chúng ta mới đang lập một dự án thì hơi muộn. Nhưng theo tôi, muộn nhưng vẫn có khả năng làm được. Điều cơ bản là phải nhận thức được bảo tồn voi là bảo tồn đa dạng sinh học, và là bảo tồn các truyền thống văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời. Nhận thức như vậy, thì mới có những hành động thích đáng cho con voi nhà”. 

Tháng 11/2010, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Dự án bảo tồn voi với kinh phí 61 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 13,9 tỷ đồng, Trung ương 40,2 tỷ đồng và vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế 6,7 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là bảo tồn nguồn gien voi đang có tại địa phương để phục vụ yêu cầu dự trữ nghiên cứu khoa học, xây dựng các khu rừng bảo tồn, quản lý bền vững quần thể đàn voi hoang dã và phát triển đàn voi nhà. Nhưng sau hơn một năm triển khai, đến nay tỉnh mới chỉ thành lập được bộ khung hành chính của trung tâm bảo tồn voi và thuê tạm 2 phòng khách của nhà khách Vườn quốc gia Yok Đôn để làm việc.

Huyền thoại voi Tây Nguyên nói chung và hội đua voi có thể chỉ còn là hoài niệm. Một sắc thái đặc trưng, một điểm nhấn quan trọng cho cho ngành Văn hóa, Du lịch Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên đứng trước nguy cơ không còn nữa. Để tránh được tương lai đáng buồn đó, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cấp chính quyền tỉnh, mà phải có cơ chế hợp lý, sự bảo hộ kịp thời của các Bộ, ngành liên quan... Có như vậy, đàn voi nhà cùng nét văn hóa đặc trưng mới có thể tồn tại, góp phần làm phong phú không gian văn hóa Tây Nguyên, tạo thêm sức hấp dẫn cho vùng đất đầy quyến rũ này.

Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm