Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ V: Thảm kịch Na Uy

Thứ hai, 03/10/2011 - 11:12

(Thanh tra)- Gần 80 người đã chết khi sát thủ Anders Breivik, 32 tuổi, nổ súng tấn công trại thanh niên của Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền trên đảo Utoya và vụ đánh bom ở trung tâm Thủ đô Oslo hôm 22/7 đã trở thành tâm điểm của dư luận trong một thời gian dài.

Hiện trường vụ tấn công ở trung tâm Thủ đô Oslo. Ảnh: EPA

>> Kỳ IV: Nga - Nạn nhân của khủng bố
>> Kỳ III: Trường hợp Taliban
>> Kỳ II: Người chết, chuyện chưa hết
>>
Kỳ I: Cái chết của Bin Laden

Dưới tiêu đề “Một vụ tấn công trực diện vào mô hình xã hội Na Uy”, Le Monde khẳng định: Vụ thảm sát không những gây chấn động cho người dân Na Uy, mà còn cho cả thế giới. Bởi vì, nhìn từ bên ngoài, Na Uy, nước chủ nhà của Giải Nobel Hòa bình, luôn mang hình ảnh của một đất nước “đạo đức, ôn hòa và đồng thuận”.

Theo Le Monde, về kinh tế, đây là nước không có tình trạng thất nghiệp, một đất nước giàu có, với nguồn thu từ dầu hỏa trên Bắc Hải đủ bảo đảm cho sự phồn thịnh lâu dài. Ngay Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cũng đã xếp Na Uy là “nước mà con người sống tốt nhất thế giới”.

Trong xã hội, vai trò giới trẻ rất được xem trọng. Và, cũng giống như các nước Bắc Âu lân cận, Na Uy là quốc gia theo mô hình Nhà nước phúc lợi. Tức là, Nhà nước chi tiêu tối đa cho việc bảo đảm phúc lợi cho người dân. Xã hội Na Uy được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, công nhân và giới chủ biết cách cùng thảo luận về lợi ích tập thể.

Đặc biệt, Le Monde đánh giá rất cao Đảng Dân chủ Xã hội, coi đó là sự bảo đảm cho mô hình Nhà nước phúc lợi. Các lãnh đạo đảng rất xem trọng công tác xây dựng đội ngũ kế thừa. Từ năm 1950, lãnh đạo đảng cầm quyền này mỗi năm đều đến đảo Utoya để tham dự trại hè thanh niên theo Đảng Dân chủ Xã hội.

Ngày 1/8, cảnh sát Na Uy thông báo đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm để điều tra vụ khủng bố kép mới đây làm 77 người thiệt mạng.

Giới chức nước này cho biết, việc thành lập đơn vị đặc nhiệm mới là hết sức cần thiết để cung cấp nguồn lực giải quyết hậu quả của vụ đánh bom ở trung tâm Thủ đô Oslo và vụ xả súng trên đảo Utoya hôm 22/7.

Hiện nay, nhà chức trách đã tiến hành thu thập mọi thiết bị điện tử như: Điện thoại, máy quay và máy vi tính cá nhân trên đảo Utoya để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Na Uy đã thành lập Ủy ban Độc lập đặc biệt để xem xét trách nhiệm của cơ quan an ninh và cảnh sát nước này trong vụ khủng bố kép.

Vì thế, hành động tấn công ở đảo Utoya và vào lớp trẻ rõ ràng không phải là sự ngẫu nhiên. Trong thông điệp của mình, Anders Breivik đã chỉ rõ việc giới lãnh đạo đang tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng Hồi giáo hóa xã hội Na Uy. Xem ra, kẻ thủ ác muốn đánh vào “tâm điểm của ước mơ và mô hình xã hội Na Uy”.

Tuy nhiên, phía sau nét hào nhoáng bên ngoài, Na Uy còn nhiều hạn chế. Từ sau thế chiến thứ hai, thay đổi xã hội và văn hóa diễn ra quá nhanh. Dân nhập cư ngày càng đông. Từ những năm 1990 đã tăng gấp đôi và hiện tại chiếm đến 10% dân số. Điều đó tạo ra căng thẳng, không phải về vấn đề việc làm vì Na Uy luôn là nước giàu có, mà trong lĩnh vực văn hóa và tôn giáo.

Theo một chuyên gia, chủ nghĩa bài Hồi giáo đã nhiễm vào xã hội Na Uy. Từ mấy thập niên gần đây, hiện tượng phân biệt chủng tộc và việc chính quyền thiếu phương tiện đối phó đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của phe hữu theo chủ nghĩa dân túy và chống nhập cư. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2009, Đảng Phát triển đã giành được 22,9% số phiếu và trở thành đảng đối lập cánh hữu theo hướng dân túy chủ chốt. Na Uy càng giàu có, đảng này càng muốn tăng cường tư tưởng bài ngoại. Trong ngôn từ của mình, Đảng Phát triển thường lên án người Hồi giáo, xem họ như “mối nguy hại, một kẻ ăn bám của Nhà nước phúc lợi”.

Dẫn lại nhận định của giáo sư Matthew Goodwin, Đại học Nottingham (Anh) trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, Đài Quốc tế Pháp cho rằng, vụ thảm sát hôm 22/7 tại Oslo cho thấy khuynh hướng đang lên của trường phái cực hữu kiểu mới tại châu Âu. Vì thế, thủ phạm Anders Breivik cũng không phải là một cá biệt chỉ có ở Na Uy.

Giáo sư Matthew Goodwin chỉ rõ, hiện nay, hầu như các nước châu Âu chỉ tập trung chú ý đến mối đe dọa đến từ al-Qaeda mà không chú ý đến sự lớn mạnh của một trường phái bạo lực và xung đột hơn, đó là trường phái cực hữu châu Âu. Và, chính vụ thảm sát đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho sự thiếu sót này. Theo ông, chủ nghĩa cực hữu cũ thiên về chủng tộc còn lực lượng cực hữu mới dùng chiêu bài văn hóa để chống Hồi giáo. Bởi vì, viện dẫn lí do văn hóa để chống Hồi giáo và nhập cư sẽ dễ được xã hội chấp nhận hơn và dễ lôi kéo người ủng hộ hơn.

Cảnh báo “sẽ sai lầm nếu cho rằng hiện tượng Breivik là của riêng Na Uy”, chuyên gia đến từ Đại học Nottingham cho biết, qua 4 năm kinh nghiệm phỏng vấn những nhà đấu tranh cực hữu, ông nhận ra một điều rất rõ ràng: Dù họ bác bỏ đường lối bạo lực chính trị, nhưng trong văn hóa cực hữu luôn hiển hiện một kiểu văn hóa bạo lực.

Thời gian gần đây, cộng đồng người Hồi giáo đã tạo ấn tượng đe dọa. Các đảng phái có vẻ không thể ngăn chặn được mối đe dọa này. Và, hình như có một sự va chạm văn minh giữa người dân chiếm đa số và cộng đồng nhập cư thiểu số. Các tổ chức cực hữu nhân cơ hội tìm được điều kiện thuận lợi để phát triển, để lôi kéo những công dân thấy rằng, cộng đồng mình đang bị đe dọa bởi al-Qaeda, bởi các tổ chức liên quốc gia như Liên hợp quốc hay Liên minh châu Âu hoặc bởi cộng đồng Hồi giáo nhập cư. Các tổ chức này không đánh vào kinh tế, mà nhằm vào văn hóa. Tức là, không nói chuyện việc làm hay nhà ở, mà tạo cảm giác cho người dân thấy, các giá trị văn hóa và lối sống của cộng đồng họ đang bị lâm nguy. Và, chỉ có hành động triệt để nhất mới trấn áp được mối nguy này.

“Còn quá sớm để nói trước liệu sẽ có hành động noi gương Breivik ở nơi khác hay không. Nhưng, có thể khẳng định dứt khoát một điều là: Sự nguy hiểm đến từ chủ nghĩa cực hữu cần được chú ý nhiều hơn”, giáo sư Matthew Goodwin nói.

Sát thủ Anders Breivik. Ảnh: EPA


Nhìn từ khía cạnh “kẻ nào đứng đằng sau vụ khủng bố ở Oslo”, Ruvr đặt vấn đề: Vụ khủng bố kép lập tức buộc người ta nhớ lại rằng, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã đe dọa đáp trả những thành viên giáng đòn không kích vào lực lượng ủng hộ ông ta. Mà, trong những cuộc ném bom của NATO (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) vào Libya hiện nay đều có sự tham gia của Không lực Na Uy.

Chưa hết, khi nêu ra những giả thuyết có thể của vụ tấn công khủng bố ở Oslo, các nhà phân tích đã chú ý đến thực tế rằng, Na Uy còn là một thành viên trong chiến dịch chống khủng bố ở Afghanistan. Ngoài ra, cũng cần nói lại rằng, đã không dưới 1 lần Na Uy nhận được những lời đe dọa.
 
Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói nước Nga, lãnh đạo Trung tâm Bắc Âu, Viện Nghiên cứu châu Âu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga) Yuri Deryabin khẳng định: “Rõ ràng, đây là hành động khủng bố. Khủng bố không phải với mục tiêu giết hại chính trị gia bất kỳ nào đó. Đây là hành động dọa nạt có chủ đích. Và, đây còn là kiểu phô trương nhằm chứng minh rằng, ngay cả sau vụ tiêu diệt Osama bin Laden thì al-Qaeda vẫn sống”. Còn, tại sao lại là Na Uy? Bởi “nước này tham gia tích cực vào chiến dịch của NATO tại Afghanistan. Ở đây không có gì phải nghi ngờ nữa”, chuyên gia Yuri Deryabin nhấn mạnh.

Chủ nghĩa cực hữu cũ thiên về chủng tộc còn lực lượng cực hữu mới dùng chiêu bài văn hóa để chống Hồi giáo. Bởi vì, viện dẫn lí do văn hóa để chống Hồi giáo và nhập cư sẽ dễ được xã hội chấp nhận hơn và dễ lôi kéo người ủng hộ hơn.

Liệu Anders Breivik có liên hệ gì với các tổ chức khủng bố quốc tế, kiểu như al-Qaeda? Điều này hoàn toàn có thể vì tín đồ theo đạo Hồi không nhất thiết phải là người xuất thân từ các quốc gia Hồi giáo. Hay nghi phạm là người Na Uy nhưng bị bệnh tâm thần? Cũng không loại trừ khẳng năng đó. Nhưng, bất luận thế nào, theo lãnh đạo Trung tâm Bắc Âu Yuri Deryabin, “thảm kịch rùng rợn xảy ra ở một góc thanh bình của châu Âu và thế giới là đất nước Na Uy một lần nữa cảnh tỉnh chúng ta về sự cần thiết phải đoàn kết mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế khi đối mặt với mối họa khủng bố”.

Nhà phân tích chính trị Vyacheslav Nikonov được Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời cho rằng, cuộc tàn sát ở Na Uy là một hiện tượng mang tính chất toàn cầu. “Tồn tại mối liên hệ trực tiếp giữa những gì đã xảy ra ở Na Uy với chủ nghĩa tân phát xít. Bản thân kẻ khủng bố rõ ràng là một tên phát xít kiểu mới. Một phần tử ủng hộ cuộc thập tự chinh chống lại các tầng lớp châu Âu tự do và mác-xít cũng như chống lại Hồi giáo nói chung. Tất nhiên, điều này không hề làm giảm đi vai trò đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Điều hiển nhiên là, việc Chính phủ các nước châu Âu, các nước Bắc Âu “nhắm mắt làm ngơ” trước những biểu hiện của chủ nghĩa phát xít, thậm chí ở một mức độ nào đó còn… đồng tình với tội ác của Đức Quốc xã. Ví dụ, các tầng lớp chính trị hàng đầu tại Latvia, Estonia biện minh cho tội ác của chế độ phát xít Đức. Tất cả tạo nên nền tảng nguy hiểm cho khả năng tái phát những sự kiện đã xảy ra ở Na Uy”.

Có thể nhận thấy, sự nổi lên của những quan điểm cực hữu ở châu Âu là một phản ứng trước nhiều năm thực hiện chính sách đa văn hóa và khoan dung chính trị. Trong một thời gian dài, người ta hy vọng sẽ đạt được việc hội nhập vào cộng đồng châu Âu những người di cư từ các thuộc địa cũ ở châu Phi và châu Á. Nhưng, điều đó đã không xảy ra. Pháp, Bỉ, Hà Lan và ở mức độ ít hơn như Đức đều phải đối mặt với những lộn xộn mang tính tập thể.

“Giờ đây, ở châu Âu xuất hiện hiện tượng khủng bố nội địa mà người ta biết đến nhưng lại muốn giữ im lặng”, chuyên gia Viện Nghiên cứu châu Âu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga) Dmitry Danilov chia sẻ với Ruvr: “Những vấn đề hiện nay ở châu Âu không chỉ là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Tồn tại cuộc xung đột nghiêm trọng giữa chính quyền và xã hội cũng như những xung khắc nghiêm trọng giữa các nhóm xã hội dân tộc. Người ta thường nhắc đến chúng như một cuộc khủng hoảng đa văn hóa của châu Âu. Và, đó là sự thực. Một vấn đề khác là, những biểu hiện bất mãn này sẽ dẫn tới đâu? Khó có thể dự đoán hậu quả sự gia tăng tâm trạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở châu Âu”.

Trở lại với vụ xét xử Anders Breivik. Hồi cuối tháng 7/2011, phát biểu trước tòa, sát thủ máu lạnh không hề tỏ ra bất kỳ chút hối hận nào về hành động của mình mà còn khăng khăng cho rằng, chỉ muốn thức tỉnh châu Âu đang bị đe dọa bởi cuộc xâm lược của những người Hồi giáo được dung túng bởi các chính trị gia tự do và cánh tả. Kẻ khủng bố tự gọi mình là một hiệp sĩ thập tự chinh, một thẩm phán và cũng là người thi hành án vì lợi ích của châu Âu.

Khi đó, luật sư của Breivik giải thích, tên này suy nghĩ rằng, đang ở trong một cuộc chiến. Mà, trong chiến tranh thì người ta có thể bắn giết. Do đó, Breivik không nhận thấy hành động của mình là có tội.
Đáng nói là, ngay cả bản thân luật sư của nghi phạm cũng bất ngờ với những tuyên bố của thân chủ. Vì thế, ông này đã yêu cầu phải kiểm tra tâm lý của Breivik với cảnh báo: Nếu thân chủ từ chối thì sẽ rút bào chữa.

Dư luận theo dõi vụ xét xử Anders Breivik. Ảnh: EPA


Về phía mình, cảnh sát Na Uy muốn dựa vào các điều luật mới đưa vào Bộ luật Hình sự năm 2008 để truy tố can phạm với tội danh “chống lại loài người” với khung hình phạt tối đa là 30 năm tù. (Ở  Na Uy, mức án tối đa cho tội khủng bố và các hoạt động khủng bố là 21 năm tù với quyền gia hạn 5 năm 1 lần nếu người phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội. Chiểu theo quy định này, nếu xử theo tội danh khủng bố thì Breivik chỉ bị tối đa 21 năm tù).

Đề cập đến phản ứng của cảnh sát, Libération dẫn lại nghi vấn của người dân Na Uy: Tại sao lực lượng cảnh sát lại có mặt trên đảo Utoya muộn đến hơn 1 tiếng đồng hồ sau khi vụ xả súng diễn ra? Thuật lại lời kể của một nhân chứng tên là Julie Breme, Libération cho biết: Từ khi sát thủ Breivik nổ những phát súng đầu tiên trên đảo, lúc 17 giờ 10 phút, cô đã cố gọi điện thoại cho cảnh sát nhưng không được vì máy luôn bận. Cô liên lạc với mẹ yêu cầu bà gọi cảnh sát gấp ngay sau đó. Trong vòng 1 giờ, 2 mẹ con cô đã trao đổi với nhau 36 tin nhắn. Lực lượng cứu hộ vẫn chưa thấy đến. Từ điện thoại di động của mình, Julie Breme liên tục gửi đi các tin nhắn kêu cứu trên mạng Twitter. Cuối cùng, cảnh sát cũng đến, nhưng là sau khi hung thủ thả sức bắn giết hơn 1 tiếng đồng hồ.

Thừa nhận sự chậm trễ, cảnh sát giải thích do “thiếu phương tiện và bị động”.

Ở diễn biến mới nhất, trong phiên xử kín ngày 19/8, Tòa án Oslo đã ra phán quyết kéo dài thời gian biệt giam thêm 4 tuần đối với Anders Breivik.

Theo phán quyết của phiên toà đầu tiên xét xử Breivik, diễn ra ngày 25/7, hung thủ bị tạm giam 8 tuần, trong đó có 4 tuần biệt giam. Thời hạn tạm giam Breivik kết thúc vào ngày 22/8. Trong thời gian này, Breivik bị cấm nhận thư từ, tiếp cận với bất kỳ nguồn thông tin nào hay gặp gỡ người thân.

Với phán quyết mới của Tòa án Oslo, Breivik bị biệt giam cho đến ngày 19/9 để phục vụ công tác điều tra.

Kỳ VI: Yemen và al-Qaeda


Trọng Thành - Thanh Phương (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm