Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường thanh tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật

Lê Phương

Thứ bảy, 14/12/2024 - 16:31

(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng ngày 14/13.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, năm 2025 Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa nhóm giải pháp để đạt các mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới

Tín dụng tăng trưởng 12,5%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2024, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, với trọng tâm là việc thúc đẩy tín dụng vào sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên.

Tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 12,5% so với cuối năm 2023. Đây là mức tăng trưởng tín dụng đáng chú ý, tạo đà mạnh mẽ cho nền kinh tế hồi phục và phát triển trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Một trong những điểm sáng trong chiến lược điều hành tín dụng là việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi. Các ngân hàng thương mại cũng tích cực tham gia vào các chương trình này, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Các chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt để kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính.

Kết thúc năm 2024, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, lạm phát bình quân 11 tháng được kiểm soát ở mức 3,69%; mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm 2023; tỷ giá cơ bản ổn định, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Năm 2025 ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro;  rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”…

Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

 “Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa nhóm giải pháp để đạt các mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Tăng cường bảo mật và bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán của ngân hàng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại toàn ngành Ngân hàng đối với sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc lưu ý việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng

“Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, hiệu quả, lãi suất ổn định và có xu hướng giảm để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế; tăng trưởng tín dụng tốt; ổn định tỷ giá; hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 gây ra; tái cơ cấu 2 ngân hàng; thanh khoản được bảo đảm…”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới để sẵn sàng các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, hiệu quả; phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu, cung cấp vốn thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không để gián đoạn.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần “cả hai cùng thắng”.

Tăng cường bảo mật và bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán của ngân hàng; đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, thanh toán điện tử, nâng cao tiện ích cho khách hàng…

Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ vốn cho phát triển xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng sạch; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém,…

Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ổn định, hợp lý, kiểm soát tốt lạm phát, điều hành tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển.

Đẩy mạnh phòng, chống rửa tiền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực ngân hàng; kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp rủi ro do thiên tại, dịch bệnh.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần coi Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam là một công cụ quan trọng đảm bảo an sinh xã hội để có các biện pháp đầu tư phù hợp, hiệu quả.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các ngân hàng, doanh nghiệp, bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm