Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỗ dựa cho sinh viên đồng tính

Thứ ba, 03/05/2011 - 10:11

(Thanh tra)- Thuật ngữ homophobia (phân biệt đối xử với người đồng tính - NĐT) đang ngày càng trở nên phổ biến cùng với sự phổ biến hiện tượng sợ hãi, thù ghét, đả kích, thậm chí hành hung đối với những người có biểu hiện giới tính khác biệt với dị tính thông thường, bao gồm cả đồng tính nam/nữ, lưỡng tính, chuyển giới tính.

Học sinh trung học kêu gọi chống phân biệt đối với NĐT

Tính riêng ở Australia, một cuộc điều tra năm 2005 của Viện Nghiên cứu phi Chính phủ về chính sách công cho thấy, có trên 35% số người từ 14 tuổi trở lên khẳng định phản đối đồng tính, cho rằng đó là hành vi trái đạo đức.

Nghiên cứu kéo dài gần 1 năm, với gần 25.000 ý kiến phản hồi từ khắp Australia, cho thấy, ở khu vực đô thị, càng gần trung tâm thì tỉ lệ phân biệt đối xử càng giảm. Tiểu bang có tỉ lệ thấp nhất là Victoria, kế đến New South Wales. Cao nhất là Queensland và Tasmania.

Một nghiên cứu khác, với 900 NĐT và chuyển giới cũng cho kết quả không khả quan gì. Khu vực xảy ra tỉ lệ kỳ thị NĐT cao nhất, xếp theo thứ tự là: Trường học (69%) - trong đó tỉ lệ học sinh nam bị kỳ thị, lạm dụng tình dục, kể cả bị bạo hành cao gấp rưỡi so với nữ sinh; công sở (59%); ngoài đường phố (47%), các hoạt động xã hội, thể thao (34% và 9%).

Không phải tất cả những người có quan điểm homophobia đều thể hiện ra bằng thái độ, hành vi, song sự phân biệt đối xử luôn là gánh nặng tinh thần với những NĐT. Không ít trong số họ phải sống trong sợ hãi, nơm nớp lo ngại có ngày bị phát hiện, dẫn đến căng thẳng, tâm thần, thậm chí tự sát. Với những người đã công khai xu hướng giới tính thì những phản ứng từ người khác mà họ nhận được cũng đáng thất vọng.

Cải thiện nhận thức và thái độ của xã hội không phải chuyện đơn giản. NĐT không chỉ có đấu tranh đòi quyền bình đẳng, tổ chức diễu hành kiểu Mardi Gras... Trong một môi trường phát triển và văn minh, đối thoại để đạt được hiểu biết chung là xu hướng tất yếu giữa các nhóm xã hội khác biệt.

Queerspace ra đời cũng nhằm vào mục đích đó. Tại Australia hầu như trường đại học nào cũng có một mạng lưới mang tên Queerspace dành cho cộng đồng đồng tính học đường.

Tại Trường Macquarie, Sydney đã xây dựng được một không gian hữu ích dành cho các bạn trẻ đồng tính. Có một phòng gặp mặt rộng bằng một lớp học, được bài trí thân thiện, mở cửa mỗi ngày. Bên cạnh là một thư viện nhỏ, với khá nhiều sách vở, tài liệu liên quan đến vấn đề đồng tính. Tại đây, họ có môi trường để trao đổi, chia sẻ nhận thức và nhất là tìm thấy một không gian an toàn, cởi mở cho mỗi người.

Dave Rorke, người điều hành của nhóm cho biết: “Mạng lưới của chúng tôi ra đời để hỗ trợ cộng đồng đồng tính trong phạm vi của trường. Trước hết, chúng tôi cung cấp các thông tin về sức khỏe, an toàn tình dục, cũng như những vấn đề về luật pháp, xã hội, nhận diện giới tính. Ngoài ra, không gian này cũng là nơi để các bạn thư giãn, gặp gỡ làm quen và sinh hoạt thảo luận về các chủ đề”. Không chỉ có thế, mạng lưới này cũng đặt mục tiêu kêu gọi sự thân thiện với NĐT (queer-friendly), thông qua những hoạt động thiết thực như tổ chức một bữa tiệc ngoài trời.

Dave Rorke cho biết thêm: “Điều mà chúng tôi mong muốn là có sự tham gia nhiều hơn của các bạn sinh viên gốc Á châu. Tôi tin trong số họ, không ít bạn là NĐT. Có thể những trở ngại về văn hóa, hoặc do họ có thói quen sinh hoạt trong nhóm bạn bè chung quốc tịch, nên họ ngại công khai bản thân. Với mỗi hoạt động, chúng tôi đều gửi thư kêu gọi sinh viên quốc tế tham gia vào Queerspace”.

Dianling (Tiến Linh), một sinh viên người Trung Quốc, tâm sự: “Từ khi biết về mô hình này, tôi đã tìm hiểu. Đến cuộc sinh hoạt lần thứ hai, tôi mới quyết định đến dự, vì dù sao cuộc gặp mặt cũng tổ chức trong phòng kín. Bây giờ, tôi đã tự tin hơn rất nhiều, nhưng chỉ trong nhóm Queerspace mà thôi. Với các hoạt động công khai bên ngoài, tôi vẫn chưa đủ can đảm lộ diện”.

Tại buổi tiệc ngoài trời, Annakarine, người Đức, vừa vuốt mồ hôi vì đứng cạnh lò nướng, vừa nói: “Lúc đầu, tớ chỉ vào đăng ký hộp thư chung và trao đổi email với mọi người, đọc các thông tin chia sẻ qua mạng lưới. Sau đó, thấy thật thú vị khi được gặp các bạn bè có cùng mối quan tâm chung. Vấn đề giấu kín hay công khai xu hướng đồng tính là quyết định của mỗi người, nhưng cá nhân tớ ủng hộ và kêu gọi các bạn hãy dũng cảm lên. Bởi vì xung quanh các bạn có rất nhiều ‘đồng bọn’ như tớ đây”!

Ehsan, người Iran cũng chia sẻ: “Tôi đến từ một đất nước, nơi mà sự kỳ thị đối với NĐT có thể nói là khắc nghiệt nhất thế giới. Tôi cũng muốn làm gì đó góp phần thay đổi điều này, dù khó khăn. Về cá nhân, sau khi tốt nghiệp ngành tài chính, tôi sẽ xin ở lại sinh sống tại Australia. Tôi yêu cuộc sống ở đây. Cho dù còn có một số hiện tượng phân biệt đối xử, nhưng chắc chắn, Australia là môi trường thân thiện và an toàn cho những NĐT như tôi được hòa nhập và cống hiến. Và tôi nhìn thấy ở Queerspace những hy vọng tích cực cho tương lai”.

Hà Vy (Theo www.abc.net.au)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm