Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Anh:Phá sản, gian lận và lừa đảo

Thứ bảy, 02/04/2011 - 07:39

(Thanh tra)- Hàng trăm nghìn người tuyên bố phá sản. Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị thanh lý. Hàng chục tỷ bảng “bốc hơi” do hành vi lừa đảo và gian lận thương mại. Vậy nhưng, người dân thì lại rất thiếu kiến thức về kinh tế, tài chính. Thực trạng này đang diễn ra tại Anh và xứ Wales.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị thanh lý
Số vụ tuyên bố phá sản tại Anh và xứ Wales trong năm 2010 đã đạt mức kỷ lục, mặc dù số trường hợp phá sản mới giảm trong 3 tháng cuối năm. Cụ thể, đã có 135.089 người tuyên bố phá sản trong năm 2010, theo cơ quan phụ trách phá sản Insolvency Service của Anh. Con số này đồng nghĩa với mức tăng 0,7% so với năm 2009 và lên cao nhất kể từ năm 1960. Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy, đã xuất hiện xu hướng giảm 13,6% trong quý cuối năm so với cùng kỳ năm 2009. Mặc dù vậy, các con số kỷ lục của nạn vỡ nợ cá nhân trong cả năm 2010 đã gia tăng gấp đôi năm 2005, bất chấp sự sụt giảm trong quý IV, khi 30.729 cá nhân tuyên bố phá sản.

Biểu đồ về phá sản cá nhân ở Anh và xứ Wales. Đơn vị tính: Nghìn người


Các chuyên gia cho rằng, số vụ phá sản được tuyên bố giảm đi vào mùa Thu và cuối năm 2010 là hệ quả của một số nhân tố. Trong đó, một số ít người vỡ nợ tới hầu tòa trong thời gian này do nguyên nhân thời tiết. Số khác do nhận được sự thông cảm và đồng ý từ các chủ nợ để được giải quyết chậm lại. Vì thế, nhiều vụ đã dồn lại và chuyển sang năm mới để giải quyết. Các ca phá sản trong năm 2010 còn tăng lên do có xu hướng tăng ở mức 6,5% với các trường hợp dàn xếp tự nguyện cá nhân (IVA) - một hình thức cho phép đạt một thỏa thuận chính thức giữa các chủ nợ và con nợ. Trong năm ngoái, con số này là 50.716 vụ. Ngoài ra, còn có 25.179 lệnh giảm nợ - một hình thức khác tương đối mới hơn - để xử lý phá sản với các khoản nợ tương đối thấp.

Năm 2016, Anh mất 1.625.000 việc làm
Đó là dự báo của Viện Công chức và Phát triển (CIPD) về tình trạng mất việc làm vào năm 2016 tại Anh. Trong đó, cắt giảm chi tiêu sẽ khiến mất 650.000 công ăn việc làm ở khu vực tư nhân và 725.000 việc làm ở khu vực công. Thuế VAT tăng lên dẫn đến mất 250.000 công ăn việc làm tại khu vực tư nhân.

Theo CIPD, khu vực tư nhân hoàn toàn có khả năng tạo ra hơn 300.000 việc làm mỗi năm với điều kiện nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình 2,5%/năm. Trong khi đó, theo dự báo của BCC, tăng trưởng GDP cho năm 2011 chỉ là 1,9% và năm 2012 là 2,1%. Ngay cả dự báo khả quan hơn của OBR cũng chỉ cho rằng, nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 2,1% vào năm 2011 và đạt tới 2,6% trong năm 2012.

Cũng trong năm 2010, số lượng các Cty phá sản tại Anh và xứ Wales đã giảm mạnh khi nền kinh tế hồi phục từ suy thoái. Cụ thể, chỉ có 4.905 trường hợp quản lý tài sản vỡ nợ, thanh lý hoặc các thoả thuận tự nguyện dành cho đối tượng Cty được ghi nhận trong năm ngoái. Con số các doanh nghiệp được thanh lý - khâu cuối cùng của quá trình phá sản - đã giảm 16% và đạt mức 16.045 vụ.

Mỗi năm mất 38 tỷ bảng do lừa đảo
Ở một khía cạnh khác, mỗi năm nền kinh tế Anh mất khoảng 38 tỷ bảng do các hoạt động lừa đảo. Trong đó, thiệt hại đối với khu vực công khoảng 21 tỷ bảng. Thiệt hại về gian lận thương mại đối với khu vực tư nhân là 12 tỷ bảng, với khối từ thiện là 1,3 tỷ bảng. Và, mất mát của người dân liên quan đến lừa đảo được cho là 4 tỷ bảng. (Chỉ số gian lận thương mại năm ngoái cho thấy thiệt hại đối với kinh tế Anh là 30 tỷ bảng). Theo Cơ quan Chống gian lận Quốc gia Anh (NFA), trung bình hàng năm mỗi người dân nước này mất 765 bảng.

Về con số thiệt hại 21 tỷ bảng trong khu vực công, Bộ trưởng Nội các Anh Francis Maude cho rằng, số tiền này có thể dùng để xây 800 trường trung học hoặc thuê mướn 615.000 y tá. Bộ trưởng Nội các Anh nói: “Trái với những gì mọi người nghĩ, gian lận và khuất tất không chỉ xảy ra trong lĩnh vực nhận trợ cấp hay đóng thuế. Gian lận ảnh hưởng đến mọi ngành của Chính phủ. Nó làm suy yếu khả năng Chính phủ cung cấp dịch vụ công một cách tốt hơn, trong khi làm cho ngành dân chính nghèo đi”. Vì thế, theo ông Francis Maude, “chúng ta không thể và sẽ không cho phép chuyện như vậy xảy ra”.

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Nội các Anh Francis Maude, NFA cũng cho rằng, Anh cần có văn hóa chống gian lận thương mại mạnh hơn. (Gian lận thương mại bao gồm hành vi tiếp thị gian dối, Cty “ma”, phát hành xổ số giả, lừa đảo liên quan đến bán vé qua mạng và cho thuê đồ…).

Theo giới quan sát, mức độ lừa đảo gia tăng một phần do việc trình báo của người dân nhiều hơn. Điều đáng nói là, số tiền bị lừa đảo chỉ chiếm phần rất nhỏ trong tổng số chi tiêu của các tổ chức kinh tế. Mặc dù vậy, theo Bernard Herdan, thuộc NFA, mọi người cần có hành động bảo vệ mình, chia sẻ thông tin với giới chức liên quan đến các hoạt động nghi vấn.

Người dân thiếu kiến thức về kinh tế
Cũng liên quan đến kinh tế, Phòng Thương mại Anh (BCC) dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2011 của nước này sẽ là 1,9% thay vì 2,2% như trước đó cơ quan này đã đưa ra. Theo BCC, nguyên nhân của sự suy giảm tăng trưởng là do tác động của cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro cùng với các biện pháp cắt giảm ngân sách hà khắc, thị trường nhà đất yếu kém và thuế giá trị gia tăng (VAT) được nâng lên từ 17,5% thành 20%. (Trong khi đó, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) thì hạ mức dự báo tăng trưởng cho năm 2011 từ 2,3% xuống còn 2,1%). Cũng theo BCC, nền kinh tế Anh sẽ đủ mạnh để tránh bị trượt trở lại vòng suy thoái và có thể khả quan hơn nhờ sự phát triển của khu vực tư nhân. Xuất phát từ quan điểm này, BCC đã nâng cấp dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2012 từ 1,8% lên 2,1% (nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với ước tính 2,6% của OBR).

Tổng Giám đốc BCC, ông David Frost nhấn mạnh: "Kinh doanh của Anh sẵn sàng và có khả năng hậu thuẫn phục hồi kinh tế, nhưng nó chỉ có thể làm được như vậy nếu Chính phủ có những hành động đi kèm với lời hứa của mình”. Ông David Frost lưu ý “Chính phủ phải tránh bằng mọi giá việc đặt ra các loại thuế kinh doanh mới và các biện pháp khác có thể gây thiệt hại cho các sáng kiến, các doanh nghiệp và cải cách”.

Khó khăn là vậy, nhưng kết quả cuộc thăm dò của Learndirect, với sự tham gia của 3.000 người, cho thấy mối lo ngại về kiến thức tài chính vào thời điểm túi tiền của mỗi gia đình Anh ngày càng hạn hẹp. Cụ thể, đã có khoảng 80% số người được hỏi không nắm chắc những lợi ích và phụ cấp mà họ được hưởng là gì. Những người khác thấy khó phân biệt được các mặt hàng rẻ mà tốt hoặc không hiểu các điều khoản đi kèm trong một số hợp đồng. Hơn 1/4 số người được hỏi cho biết, thấy khó tìm cách để tìm được những hợp đồng tốt cho điện, khí đốt, điện thoại di động và truyền hình.

Cục Tư vấn cho công dân Anh cho biết, đơn vị này đang ngày càng đón tiếp nhiều người hơn tới đây để được tư vấn về nợ. Họ cũng tiếp đón cả những người lo lắng về các vấn đề khác liên quan đến tiền bạc.

Được biết, Learndirect đang tung ra dự thảo kế hoạch hướng dẫn miễn phí cách tính toán ngân sách, chi tiêu khôn ngoan, các lựa chọn sản phẩm và tìm việc làm. Ngoài ra, hàng loạt tổ chức tư vấn ở Anh cũng đã lên tiếng nhằm để có giáo dục tài chính nhiều hơn trong các trường học.

Bắt hàng chục tin tặc ăn cắp tiền từ ngân hàng
Năm 2010, nhân viên điều tra Mỹ từng phá vỡ một đường dây tội phạm quốc tế trên mạng sử dụng virus máy tính và sinh viên nước ngoài để đánh cắp hàng triệu USD từ các ngân hàng. Cụ thể, các tin tặc tại Đông Âu đã dùng virus Zeus Trojan để xâm nhập vào các tài khoản tại ngân hàng của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Sau đó, chuyển sang những tài khoản khác đã được chúng lập ra và rút tiền.

Một người có chức trách tại New York cho biết: “Một sinh viên ngoại quốc sống ở Mỹ, với thị thực nhập cảnh tạm thời, sẽ mở một tài khoản ngân hàng bằng tên của mình và nhận được một khoản tiền lớn qua chuyển ngân. Tiếp theo, sinh viên này (thường được gọi là “những con la chở tiền”) chuyển tiền từ tài khoản của mình cho người thứ ba sau khi giữ lại một số hoa hồng - ít nhất là 10% trên số tiền ăn cắp được”.

Tại Anh, hồi tháng 9/2010, cơ quan chức năng nước này cũng từng bắt giữ 19 người về tội dùng cùng loại virus máy tính Zeus Trojan để rút lậu ít nhất 9,5 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng.

Trọng Thành - Huy Hoàng (Tổng hợp từ BBC)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm