China Daily ngày 9/11 dẫn bài viết từ trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc (NSC) cho biết, vào tháng 4/2015, khi Trung Quốc công bố danh sách 100 kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất vì nghi ngờ tham nhũng và tội phạm kinh tế, thì có 40 người ở Mỹ.

Bài viết cho hay, 40 người vẫn chưa được đưa trở lại Trung Quốc để đối diện với pháp luật, trong đó 20 người vẫn đang lẩn trốn ở Mỹ.

Cũng theo bài viết này, trong những năm gần đây, Mỹ đã thiếu thực thi Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự ký kết năm 2000, thụ động trong việc đáp ứng các yêu cầu hợp tác của Trung Quốc trong các lĩnh vực như truy quét những kẻ đào tẩu... Thậm chí, một số cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ đã cung cấp nơi tị nạn cho những nghi phạm đào tẩu và nhiều lần ngăn chặn việc tự nguyện trở về Trung Quốc của những kẻ này.

Trong một diễn biến khác, tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 8 người được cho là có liên quan đến chiến dịch của Bắc Kinh có tên "Săn cáo" khởi động vào năm 2014, nhằm truy bắt những tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài.

Theo các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, 5 trong 8 cá nhân trên, bao gồm 1 điều tra viên tư nhân người Mỹ, đã bị bắt hôm 28/10 tại các bang New Jersey, New York và California với cáo buộc là nhân viên thực thi pháp luật của Trung Quốc. 3 người còn lại được cho là đang ở Trung Quốc.

5 cá nhân trên bị cáo buộc là các “điệp viên bất hợp pháp” hoạt động tại Mỹ và đã tham gia vào âm mưu ép buộc một gia đình Trung Quốc quay về nước.

Tuy nhiên, ngày 30/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên tiếng khẳng định những người bị phía Mỹ bắt giữ không phải là nhân viên thực thi pháp luật của Trung Quốc.

Bài viết của CCDI và NSC cho rằng, cần có sự đồng thuận quốc tế về sự cần thiết phải hợp tác chống tội phạm tham nhũng xuyên quốc gia và từ chối cung cấp "nơi trú ẩn an toàn" cho các nghi phạm tham nhũng cũng như các quỹ bất hợp pháp.

Tính đến tháng 6 vừa qua, 7.831 kẻ đào tẩu đã được đưa về từ hơn 120 quốc gia và khu vực, với 19,6 tỷ nhân dân tệ (2,97 tỷ USD) thu lợi bất chính. Bài viết nói rằng, điều đó đã chứng minh rằng chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc là đúng đắn, đã giành được sự công nhận và ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

CCDI, NSC kêu gọi tất cả quốc gia cùng nhau giải quyết thách thức tham nhũng và thực hiện các nghĩa vụ trong hiệp ước quốc tế thay vì là "nơi trú ẩn an toàn" cho tham nhũng.

Hoài Phương