Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 03/04/2012 - 02:53
(Thanh tra) - “Những năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đều ở mức trên 30%. Năm qua, hàng loạt thương vụ lớn đã được công bố như Vietinbank lựa chọn đối tác chiến lược, Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria, TH Milk mua lại Nhà máy Đường Nghệ An Tate & Lyle... Tôi tin rằng, hoạt động M&A năm 2012 tiếp tục gia tăng” - ThS Nguyễn Quốc Việt, giảng viên Khoa Kinh tế - Ngân hàng (NH), Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với PV Báo Thanh tra.
Trung tâm Thương mại Vincom tại TP Hồ Chí Minh
Không chỉ có màu hồng
+ Thưa ông, M&A năm 2011 có thể nói đã thực sự bùng nổ. Với giá trị cao gần gấp rưỡi năm 2010, trong đó có phần đóng góp rất lớn từ các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Điều này bắt nguồn từ suy thoái kinh tế khiến tài sản trở nên rẻ hơn, hay NĐT nước ngoài vẫn nhìn thấy những tiềm năng rất lớn từ các thương hiệu tên tuổi của Việt Nam?
- Tôi cho rằng, NĐT nước ngoài đã nhìn thấy thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng, dân số đông và tương đối trẻ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lại rất lớn. Chưa kể, một số thương hiệu tốt đang được định giá ở mức hấp dẫn, bởi trước đây họ bỏ ra gấp 2 - 3 lần mới có thể mua được một doanh nghiệp (DN), thì nay chi phí đã hợp lý hơn. Do khó khăn về kinh tế vĩ mô, nhiều DN buộc phải bán một phần tài sản của mình tại các DN nhỏ để cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh với mức giá hợp lý nên nhiều NĐT nước ngoài xem đây là một cơ hội tốt.
Nhiều thương vụ đã có sự chuẩn bị từ năm 2010, ví dụ IFC mua Vietinbank từ năm 2010, kết thúc năm 2011 khiến cho năm 2011 quy mô giá trị tăng gấp đôi so với 2010. Ngoài ra, các rủi ro về thiên tai và bất ổn chính trị tại một số nước như: Nhật Bản, Thái Lan... khiến nhiều NĐT hướng dòng tiền sang các thị trường ổn định như Việt Nam.
+ Theo ông, việc thực hiện thành công các thương vụ M&A đã mang lại cho DN Việt Nam những cơ hội gì?
- Việc thâm nhập thị trường qua M&A cho thấy nhiều mặt lợi thế hơn so với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giải quyết vấn đề tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh của DN.
Chúng ta thấy rằng, khi thị trường sôi động thì các DN tiếp cận được nguồn vốn mới, kỹ năng quản lý của nhiều tập đoàn đa quốc gia, do đó nâng cao hiệu quả của DN. Khi tái cơ cấu lại DN, thì DN có điều kiện tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh. Ngoài ra, việc tiếp nhận các công nghệ mới của nước ngoài cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình thành công này là việc mua lại Cty Cà phê Biên Hòa của Tập đoàn Masan.
Hoạt động sáp nhập bằng việc hoán đổi cổ phần giữa các Cty trong hệ thống hoặc giữa Cty thành viên với tập đoàn đã giúp cho việc tiết kiệm chi phí hoặc mở rộng quy mô hoạt động. Chẳng hạn Vinpearl sáp nhập vào Vincom hoạt động như một Cty TNHH một thành viên do Vincom sở hữu 100% vốn hoặc là chi nhánh của Vincom.
Tuy nhiên, khi tham gia vào các DN nước ngoài cũng sẽ xuất hiện nhiều điểm bất cập như về văn hóa DN. Nhiều DN sẽ bị đứng trước nguy cơ bị thâu tóm. Vì vậy, M&A không chỉ là mang lại màu hồng cho DN mà còn có thể mang lại màu xám.
+ Năm 2011, trong khoảng hơn 2,7 tỷ USD giá trị M&A thì gần 1 tỷ USD là lĩnh vực tiêu dùng; tài chính gần 500 triệu USD. Lĩnh vực nào sẽ là tâm điểm của M&A năm nay, thưa ông?
- Theo tôi, những Cty có thương hiệu tốt về sản xuất hàng tiêu dùng sẽ là đích ngắm của nhiều NĐT nước ngoài. Bởi, với tiềm năng của một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao, dân số trẻ, do đó dòng tiền từ bên ngoài tiếp tục hướng đến những ngành cơ bản như NH, thực phẩm và đồ uống, sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm… Đặc biệt, các thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối tốt sẽ được đặc biệt quan tâm.
Tiếp đến là lĩnh vực bất động sản. Nhiều NĐT đang âm thầm thâu tóm các dự án bất động sản có mức giá hợp lý mà đang chịu sức ép về tính thanh khoản từ phía NH.
Ngoài ra, năm 2012, sẽ hợp nhất một số NH nhỏ.
+ M&A theo chiều dọc (mở rộng chuỗi giá trị) hay M&A theo chiều ngang (tăng thị phần) sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của các DN muốn tham gia hoạt động này, thưa ông?
- Tôi cho rằng, M&A theo chiều ngang tiếp tục là xu hướng trong năm nay. Các DN có xu hướng mở rộng thị phần, giảm bớt đối thủ cạnh tranh và tăng cường năng lực sản xuất thông qua hình thức này.
Các NĐT nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam luôn muốn mua lại những Cty mà họ am hiểu sâu. Chẳng hạn như Unicharm mua toàn bộ Diana Việt Nam. Họ đã mua 95% của Diana. Như vậy, đã nâng được giá trị gia tăng.
Cần khuôn khổ pháp lý cho M&A
+ DN cần lưu ý những điểm gì khi tiến hành các bước sáp nhập, thưa ông?
- Tham gia thị trường M&A, các DN Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện quan trọng cho các kế hoạch M&A như: Lập chiến lược M&A, tận dụng cơ hội và nắm vững các nguyên tắc cơ bản của một giao dịch M&A. Các DN cần xác định chiến lược M&A như một phần quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh doanh. Tất cả các chính sách, quyết định liên quan đến M&A đều phải được thực hiện trong khuôn khổ chiến lược phát triển chung của DN.
Mỗi DN cũng cần lưu ý đến mô hình và cấu trúc của DN cho phù hợp với chiến lược M&A. Và, khi muốn tạo ra giá trị gia tăng cho các DN mới, bản thân họ phải hiểu được giá trị cộng hưởng khi tham gia như thế nào.
Tôi lấy ví dụ, như Lienviet Bank khi liên kết với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã có điều kiện để phát triển hệ thống đại lý giao dịch tiết kiệm trên cả nước. Theo đó, việc liên kết này đã đem lại giá trị lợi nhuận cho cả hai bên. Hoặc, các NH nhỏ phải sáp nhập với NH lớn để tăng nguồn vốn, nâng cao năng lực quản lý thì hiệu quả sẽ tốt hơn là cả 2, 3 NH nhỏ, mà yếu kém mà hợp nhất với nhau sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và niềm tin của người dân đối với hệ thống NH.
+ Có ý kiến cho rằng, với việc phân tán trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, sự phát triển bùng nổ của M&A tại Việt Nam không song hành với một môi trường pháp lý có đầy đủ công cụ quản lý. Như vậy, những rủi ro như độc quyền và thiếu minh bạch sẽ tiếp tục là trở ngại cho nhiều DN?
- Nhìn chung, các hoạt động M&A diễn ra trong một khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ. Các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Cạnh tranh, Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán… và một số văn bản dưới luật. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghị định về M&A, chưa có văn bản hướng dẫn các thủ tục, quy trình M&A khiến cho việc hợp nhất DN gặp khó khăn trong xác lập các giao dịch, địa vị mỗi bên mua - bán, hậu quả quản lý sau mua…
Tại nhiều nước, cơ quan quản lý chỉ xem xét liệu việc hợp nhất có vi phạm Luật Cạnh tranh, trong khi ở Việt Nam còn phải xem thêm nhiều khía cạnh pháp lý khác để xem thương vụ có khả thi về mặt pháp lý hay không. Chẳng hạn theo Luật Cạnh tranh, việc kết hợp giữa các Cty dẫn đến thị phần từ 30% - 50% phải có được sự đồng ý của cơ quan quản lý cạnh tranh bằng việc nộp hồ sơ thông báo, trường hợp trên 50% thì cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Thị trường M&A đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng theo tôi, phía Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động M&A. Các DN cần xác định M&A là một chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn. Cùng với đó, các tổ chức tư vấn cũng cần nâng cao hoạt động hỗ trợ và xúc tiến M&A cho các DN trong và ngoài nước.
Thanh Uyên (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.
Trần Kiên
20:25 13/12/2024T.Thanh
19:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình