Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gỡ khó để sản xuất và xuất khẩu về đích

Thứ bảy, 14/07/2012 - 06:25

(Thanh tra)- Tồn kho sản phẩm công nghiệp tăng cao tới 26%, xuất khẩu (XK) dù tăng trưởng trên 22% nhưng các mặt hàng XK có giá trị lớn nhất như dệt may, nông sản lại tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ do sụt giảm cả về giá và lượng XK. Vì vậy, việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để sản xuất và XK về đích chính là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất của ngành Công thương trong 6 tháng cuối năm.

Sản xuất kinh doanh tại TP HCM đang cần cú huých để vực dậy

Sản xuất và XK đều khó khăn

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công thương Nguyễn Tiến Vị, sản xuất công nghiệp 6 tháng đã có mức tăng trưởng thấp, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2011. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) chỉ hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, DN vẫn khó tiếp cận vốn vay giá rẻ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra, gây lãng phí các nguồn lực huy động.

Hơn nữa, mục tiêu kim ngạch XK cả năm 2012 là 109,5 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2011 sẽ khó thành hiện thực do giá XK giảm, thị trường XK cũng bị thu hẹp và khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Vị cho biết: Do khó khăn của các nền kinh tế thế giới và việc hạn chế tiêu dùng, giá cả hàng hóa XK, nhất là giá hàng nông sản đã giảm sút mạnh khiến kim ngạch nhóm hàng hóa này giảm 916 triệu USD, XK than đá giảm 61 triệu USD. Mặt hàng dệt may, giày dép là một trong các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch XK chung cả nước, nhưng tăng trưởng thấp so với cùng kỳ 2011 do quá phụ thuộc vào thị trường XK chính như EU.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết: Chưa bao giờ, XK thủy sản gặp thách thức lớn như hiện nay, bởi ngoài khó khăn về vốn, về thị trường, việc XK nhóm hàng này, nhất là XK tôm, cá tra đang phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng gia tăng tại nhiều thị trường. 6 tháng qua, XK thủy sản sang các nước thuộc khối EU sụt giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italy giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Đáng chú ý, việc XK tôm vào Nhật Bản - thị trường XK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm đến 27% tổng giá trị kim ngạch XK đang phải đối diện với nhiều rào cản nhất. Hiện, Nhật Bản đang tăng tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, hàm lượng chất Ethoxyquin trong tôm bị chủ yếu đến từ nguồn thức ăn nuôi tôm nhập khẩu nên DN nuôi trồng và chế biến thủy sản khó lòng kiểm soát. Ngoài ra, do bị cắt giảm ngân sách so với năm 2011, hoạt động xúc tiến thương mại không mang lại được hiệu quả như mong muốn giúp DN mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh.

Khơi thông thị trường trong nước


Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, xử lý hàng tồn kho để giúp DN duy trì sản xuất và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương.

Trước mắt, DN sản xuất tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng việc củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm; tiếp tục thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá; phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, bảo đảm cung cầu, an sinh xã hội.

Bộ Công thương đã ban hành danh mục thiết bị sản xuất trong nước, vì vậy, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu hợp lý của các thiết bị thuộc danh mục này để kích thích tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.

Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế VAT xuống 5% cho DN, bởi việc giảm thuế VAT này sẽ trực tiếp tác động đến việc hạ cơ cấu giá thành sản phẩm, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, giảm giá bán, tăng lượng tiêu thụ; đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng đối tượng được vay cho tất cả DN, không hạn chế đối tượng như Thông tư số 14…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, nhằm giúp DN XK mở rộng thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhằm khai thông thị trường trong 6 tháng cuối năm, nhất là tại các thị trường tiềm năng như: Hồng Công, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Australia. Cùng đó, công tác thông tin sẽ được thực hiện đồng bộ để kịp thời đưa ra các dự báo sát thị trường và sớm phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa XK Việt Nam tại các thị trường nhằm kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho DN XK tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ; đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa cũng như điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế XK, thuế nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, XK.


Nguyễn Kim Anh



TP Hồ Chí Minh
Miễn giảm thuế để vực dậy sản xuất kinh doanh

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân vừa chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành chức năng trên địa bàn tập trung triển khai một số nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong đó, quan tâm đến các chính sách gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất theo Nghị quyết 13/NQ-CP và gia hạn một số khoản thu ngân sách Nhà nước.

Các DN, hộ sản xuất kinh doanh được khuyến cáo xây dựng các giải pháp tự khắc phục những nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, không nên chỉ trông chờ vào các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế từ Nhà nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ sẽ phải theo hướng chủ động, tích cực, bảo đảm hiệu quả. Ngân sách Nhà nước dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại trong năm nay ưu tiên cho công tác mở rộng thị trường có tiềm năng hoặc thị trường truyền thống có giá trị kim ngạch XK cao. Các thông tin về những thị trường tiềm năng phải được cung cấp rộng rãi cho DN biết để chủ động khai thác.

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung việc thúc đẩy XK, giảm nhập khẩu, nhất là hàng tiêu dùng xa xỉ, tiếp tục  thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu ngành Công thương TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động nắm bắt thông tin và dự báo chính xác tình hình biến động cung - cầu hàng hóa trên địa bàn, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sữa, thuốc chữa bệnh… Phải có kế hoạch dự trữ, đối phó kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra biến động giá, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường.

TP sẽ ưu tiên vốn tín dụng cho phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, XK, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa. Đồng thời, tiết giảm tốc độ và tỉ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Thiện Nhân
 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm