Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Từ bỏ đất gần 30 năm rồi quay về kiện đòi hơn 3 tỷ đồng

N. Phê - Q. Thân

Thứ sáu, 17/12/2021 - 06:37

(Thanh tra) - Một vụ kiện tụng đất đai hy hữu đòi hơn 3 tỷ đồng ở Kon Tum đang nhận được sự quan tâm lớn trong dư luận, bởi còn quá nhiều tình tiết gay cấn chưa được cơ quan chức năng giải mã...

Phần đất đang xảy ra tranh chấp, kiện tụng hiện đã có nhà cửa. Ảnh: P.T

Theo hồ sơ vụ việc, năm 1987, ông Nguyễn Hữu D. (trú tỉnh Kon Tum) được UBND thị xã Kon Tum (nay là TP Kon Tum) cấp 1 lô đất theo Quyết định 687/QĐ-UB; nội dung ghi trong quyết định là: Cấp ruộng đất dành cho kiến thiết cơ bản, diện tích 512m2. Hiện nay, lô đất này nằm tại số nhà 552, 554 đường Duy Tân.

Sau khi được cấp đất, đến năm 1990, ông D. rời Kon Tum vào TP HCM sinh sống.

Năm 2019, ông D. mới về lại Kon Tum để tìm lại đất. Tuy nhiên, thời điểm này, lô đất nêu trên đã được UBND TP Kon Tum ra 2 quyết định cấp sổ đỏ cho 2 hộ gia đình khác và họ đã làm nhà ở, sinh sống ổn định từ lâu.

Nếu tính đến thời điểm hiện tại, liên quan đến phần đất trên thì có đến 3 giấy tờ sở hữu khác nhau. Riêng ông D. sau khi được cấp đất, đã rời địa phương, không quản lý, sử dụng phần đất được giao. Điều này được thể hiện rõ trong kết quả xác minh của UBND phường Duy Tân là qua rà soát sổ sách giấy tờ và các sổ mục kê đất đai năm 1998, năm 2016 và bản đồ địa chính quy chủ từ năm 2014 thì không có tên ông D. đăng ký kê khai.

Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum, trên bản đồ và các sổ mục kê lô đất đang quản lý, không có ai tên Nguyễn Hữu D. đứng kê khai lô đất trên.

Trên thực tế, người sử dụng lâu dài, ổn định và đóng thuế cho phần đất trên là ông Nguyễn Văn Tin (số nhà 556 Duy Tân). Theo gia đình ông Tin trình bày, trước đây, cha ông đã khai hoang và sử dụng một phần đất rộng lớn từ số nhà 552, 554 sang nhà số 556 đường Duy Tân. Năm 1987, gia đình ông Tin làm thủ tục và được UBND thị xã Kon Tum cấp đất theo Quyết định 458/QĐ-UB, là số nhà 556 Duy Tân đang ở hiện nay.

Phần đất còn lại (số 552 và 554), do điều kiện kinh tế nên gia đình ông Tin chưa làm thủ tục cấp giấy tờ nhưng vẫn đóng thuế Nhà nước. Đến năm 1993 - 1994, ông Tin lần lượt ký giấy viết tay chuyển nhượng phần đất này cho 2 người khác; sau đó họ làm thủ tục và đã được cấp sổ đỏ như đã nêu trên.

Ông Tin và những người địa phương đều không biết ông D. là ai, không biết quyết định cấp đất cho ông D. Chỉ đến năm 2019, ông mới biết phần đất cấp cho ông D. nằm trùng với phần đất mà ông đã chuyển nhượng cho 2 người khác.

Như vậy, sau gần 30 năm đi sinh sống nơi khác, ông D. quay lại tìm đất ở Kon Tum và khởi kiện ông Tin ra TAND TP Kon Tum, đòi bồi thường hơn 3 tỷ đồng vì cho rằng ông Tin đã tự ký giấy bán đất của mình.

Ông Tin cho rằng, việc khởi kiện trên là quá vô lý; bởi ông Tin không biết đất ông D. ở đâu cả, mà đây là đất ông bà của ông khai hoang để lại. Suốt vài chục năm qua, gia đình sử dụng ổn định lâu dài và đóng thuế đầy đủ; sau khi ông sang nhượng, chủ sở hữu mới đều đã được cấp sổ đỏ. Điều này cho thấy nguồn gốc đất là rõ ràng, không tranh chấp với ai cho đến khi ông D. xuất hiện.

Để làm rõ hơn vấn đề, TAND TP Kon Tum đã có văn bản đề nghị UBND TP Kon Tum nêu ý kiến về quyết định cấp đất cho ông D. đã bị thu hồi hay chưa? Nếu chưa thì tại sao diện tích đã cấp cho ông D. lại được cấp tiếp cho 2 hộ dân khác? Tuy nhiên, đến nay, UBND TP Kon Tum vẫn chưa có ý kiến trả lời cho tòa.

Tuy nhiên, TAND TP Kon Tum lại tuyên yêu cầu ông Tin bồi thường hơn 3 tỷ đồng cho ông D., với lý do ông Tin đã ký giấy bán phần đất đã được cấp cho ông D.

Quyết định của tòa án đã khiến gia đình ông Tin bị sốc, vì một người đã bỏ đi gần 30 năm nay lại quay về kiện đòi tiền tỷ là quá vô lý.

Dưới góc độ pháp lý, một luật sư ở Kon Tum cho rằng, tuy ông D. được cấp đất nhưng đã rời địa phương, từ bỏ quyền sử dụng đất trong một thời gian quá dài thì không thể đòi lại đất được.

Tại Án lệ 35/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định, Nhà nước sẽ thu hồi đất nếu người sử dụng đất không sử dụng quá 6 tháng hoặc 12 tháng mà không được Nhà nước cho phép. Bên cạnh đó, theo quy định khoản 11, Điều 38 Luật Đất đai 2003 và khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 thì một số trường hợp sẽ bị thu hồi đất khi không sử dụng liên tục từ 12 tháng… Do đó, ông D. đã từ bỏ quyền sử dụng đất khi không quản lý, sử dụng từ năm 1990 đến năm 2019 lại được bồi thường là không đúng quy định.

Cũng theo ý kiến của luật sư, ông D. cần khởi kiện hành chính UBND TP Kon Tum để làm rõ các vấn đề như quyết định cấp đất cho ông còn hiệu lực không; nếu còn hiệu lực vì sao lại cấp 2 sổ đỏ khác trên phần đất đã cấp cho ông trước đó?

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm