Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải quyết khiếu nại, tố cáo “phải tăng tốc nhanh hơn nữa”

Thứ năm, 18/07/2019 - 20:53

(Thanh tra)- Theo Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái, việc giải quyết các vụ khiếu nại (KN), tố cáo (TC) tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được các bộ, ngành, địa phương “khởi động, bắt đầu chạy, nhưng phải tăng tốc nhanh hơn nữa thì kết quả, hiệu quả mới đạt được”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

“TTCP tiếp dân có bài bản, có tấm lòng”

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành Thanh tra, sáng ngày 18/7, Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương nhấn mạnh, trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC,  TTCP đã giúp cho Chính phủ, địa phương giải quyết được rất nhiều vụ việc phức tạp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm yên dân, bảo đảm an ninh trật tự. 

“TTCP tiếp dân có bài bản, có tấm lòng, lắng nghe ý kiến của người dân. Có cụ già nói rằng, khi được tiếp dân như thế thì giống như được gặp Bao Công vậy. Tôi rất mừng và thấy đúng là thế”, ông Đương nói. 

Tuy nhiên, theo Phó trưởng Ban Dân nguyện, đâu đó vẫn còn những tiếng khóc của người dân. “Có những lúc đọc đơn của người dân tôi thấy đẫm nước mắt thật”, ông Đương chia sẻ.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương

Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, 6 tháng đầu năm, số lượng đơn thư KN, TC gửi đến Bộ tăng hơn so với cùng kỳ. Nội dung đơn thư chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. “Nếu ở các địa phương chiếm khoảng 60% thì đến Bộ Tài nguyên và Môi trường chiếm 95,9%”, ông Tuấn Anh nói. 

Đáng chú ý, theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong hơn mấy nghìn đơn thư Bộ nhận được, chỉ có gần 3% thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; số đơn địa phương đã giải quyết hết trách nhiệm, thẩm quyền cũng chỉ hơn 3%. 

“94% là đơn thư còn lại đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Điều đó có nghĩa đơn thư vượt cấp lên Trung ương khá nhiều”, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.

“Phải đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người dân”

Theo các đại biểu, những tháng cuối năm và những năm tới, ngành Thanh tra cần tập trung vào những vụ việc tồn đọng, phức tạp. “TTCP là tổng quản gia trong giải quyết KN,TC. Quá trình giải quyết, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc chứ không chỉ quan tâm giải quyết hết trình tự, thủ tục, thẩm quyền”, ông Đương kiến nghị. 

Phó trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị, tăng cường trách nhiệm tiếp dân của chủ tịch, lãnh đạo địa phương; quan tâm đến tính hợp lý, hợp pháp của vụ việc. “Phải đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người dân”, ông Đương nói và nhấn mạnh, giải quyết phải hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nghĩa là bảo đảm cân bằng lợi ích trên nền tảng hợp lý của cuộc sống và chính sách pháp luật.

Lắng nghe các ý kiến, Tổng Thanh tra yêu cầu, toàn ngành tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết KN, TC và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. 

Đồng thời, tập trung tham mưu giải quyết các vụ KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài có nguy cơ phát sinh thành “điểm nóng” gây mất trật tự an ninh, chính trị, xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình làm Tổ trưởng và kế hoạch của TTCP. 

Theo Tổng Thanh tra, thực hiện tốt công tác này góp phần ổn định tình hình, an ninh trật tự và phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và tới đây là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông cũng đề nghị các địa phương bám sát Kế hoạch 363 của TTCP về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc KN, TC đông người, phức tạp, kéo dài, trước mắt là phải thành lập ngay Tổ công tác ở địa phương để thực hiện. 

Trách nhiệm của các địa phương là phải lập danh sách để báo cáo Tổ Công tác. Nếu không có kế hoạch, danh sách cụ thể thì không thể giải quyết có trọng tâm, trọng điểm.

“Các địa phương đã khởi động, bắt đầu chạy, nhưng phải tăng tốc nhanh hơn thì kết quả, hiệu quả mới đạt được. Tôi mong các địa phương, bộ, ngành đã quan tâm thì tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, sát hơn nữa, cùng với Tổ Công tác để làm sao xử lý nhanh tình hình này”, Tư lệnh ngành Thanh tra nhấn mạnh.

Theo báo cáo của TTCP, mặc dù các tiêu chí cơ bản về KN, TC giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng tình hình khiếu kiện của công dân trong phạm vi cả nước vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 182.303 lượt công dân (giảm 8,5%) với 124.178 vụ việc (giảm 22,3%), có 1.935 đoàn đông người (giảm 8,5%) so với cùng kỳ năm 2018.

Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 8.952/12.280 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt 72,9% (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018). Qua giải quyết KN, TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại quyền lợi cho công dân số tiền 73 tỷ đồng, 2ha đất; trả lại quyền lợi cho 800 người, kiến nghị xử lý hành chính 183 người, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ.


Ý kiến tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh về Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra, phóng viên Báo Thanh tra cũng đã ghi nhận một số ý kiến của đại biểu. Theo Cục trưởng Cục III Trần Văn Mây, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, cùng những định hướng của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn công tác thanh tra, phối hợp cùng UBND các tỉnh thành phía Nam để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Ngoài các cuộc thanh tra theo kế hoạch, Cục III sẽ chủ động làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về 12 vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài, trong đó tập trung kết hợp thanh tra với giải quyết các vụ việc tại dự án (DA) 1 bis 1 kep đường Nguyễn Đình Chiểu, DA vườn thú Safari đã giao cho Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư tại huyện Củ Chi, DA chuyển đổi đất có vị trí đắc địa của Tổng Công ty Lương thực miền Nam tại đường Chu Mạnh Trinh, DA Khu công nghệ cao tại quận 9, cùng một số vụ việc được Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ xác minh, làm rõ. Quan điểm của Cục III là tạo sự thống nhất quan điểm xử lý ngay từ khi có dự thảo kết quả kiểm tra để bảo đảm sự đồng thuận, khả thi trong thực hiện, hạn chế tiếp khiếu, tiếp tố. Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NG   Bên lề hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cũng cho rằng, dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã khái quát được một cách toàn diện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Trong thời gian tới, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, trong đó có kết luận về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều giai đoạn phát triển đô thị từ quận Thủ Đức, sau đó chia tách thành quận 2, có số lượng nhà đất bị ảnh hưởng lớn nên lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự đồng thuận của người dân để sớm có phương án giải quyết phù hợp. Điều này cũng được Phó Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh Trần Thanh Tùng chia sẻ là quán triệt tinh thần của hội nghị, chấp hành chỉ đạo của UBND TP về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, cán bộ, công chức của ngành Thanh tra TP sẽ tiếp tục chủ động làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, tham mưu đầy đủ cho lãnh đạo về phương án tiếp công dân, đối thoại để tạo sự đồng thuận trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật phát hiên hiện trong quá trình thanh tra sẽ được Thanh tra TP Hồ Chí Minh kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm. Ngay tại thời điểm này, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đang bố trí nhân lực có chất lượng cao để hỗ trợ UBND quận 2 trong tiếp công dân, thống nhất phương án giải quyết theo thẩm quyền đối với khiếu nại, tố cáo của người dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngọc Giang

Theo ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công thương, “sự có mặt của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại hội nghị sơ kết hôm nay là nguồn cổ vũ, động viên đối với ngành Thanh tra. Chánh Thanh tra Bộ Công thương Lê Việt Long   Riêng, với Thanh tra Bộ Công thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương, chúng tôi tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án trong thời gian qua. Theo tôi, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra các bộ, ngành, kiểm toán, tài chính để tránh sự chồng chéo. Ví dụ như có một số doanh nghiệp đang có kế hoạch thanh tra của Bộ Công thương đang triển khai, thì Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Kiểm toán Nhà nước… lại có hoạt động liên quan đến công tác thanh tra của Bộ. Chính vì vậy, việc xử lý chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra góp phần giảm áp lực đối với các doanh nghiệp”.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm